Các “hiệp sĩ” bị thương trong lúc bắt trộm cũng xứng đáng được xem xét công nhận là người hưởng chính sách như thương binh.
Việc xem xét ghi công, tôn vinh này thực hiện theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh) và Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh.
Cụ thể, theo Điều 11 của Pháp lệnh, người đã hy sinh trong trường hợp đấu tranh chống tội phạm; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân thì được công nhận là liệt sĩ, được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”. Theo Điều 17 Nghị định 31, điều kiện được xem xét xác nhận liệt sĩ là người hy sinh khi trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; hoặc dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Với người bị thương, trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên khi đấu tranh chống tội phạm hoặc dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân thì được xem xét hưởng chính sách như thương binh, được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”.
Về trách nhiệm lập hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, trước hết, công an quận nơi xảy ra vụ án cần xác nhận các “hiệp sĩ” có hành động dũng cảm; dù biết việc tính chất vụ việc rất nguy hiểm nhưng vẫn dũng cảm xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, giữ bình yên cho xã hội. Sau đó, hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ chuyển sang Phòng LĐTB-XH quận nơi xảy ra vụ án, trình UBND quận; tiếp đó, hồ sơ chuyển lên Sở LĐTB-XH TPHCM, sở sẽ tham mưu, trình UBND TPHCM; UBND TPHCM kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ rồi chuyển Bộ LĐTB-XH thẩm định, trình Thủ tướng cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Đối với người hưởng chính sách như thương binh, Giám đốc Sở LĐTB-XH sẽ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận.
Trong trường hợp được công nhận là liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con trên 18 tuổi nếu bị khuyết tật), được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Cùng với đó là các ưu đãi về BHYT, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, học tập, vay vốn, nhà ở… theo quy định. Với người hưởng chính sách như thương binh, các chế độ ưu đãi gồm: trợ cấp, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động; BHYT, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; điều dưỡng sức khỏe, tạo điều kiện về việc làm…
Một vấn đề đặt ra, nếu được công nhận là liệt sĩ và liệt sĩ là con duy nhất, hoặc là con thứ hai trở lên, hoặc thỏa mãn các điều kiện khác theo quy định thì mẹ liệt sĩ được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Việc này thực hiện theo Điều 2 Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20-10-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.