Theo đó, cùng với việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; gắn kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, UBND TPHCM quy định biện pháp xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công hoặc để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn thì bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật hiện hành.
TPHCM không xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ) thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị xử lý kỷ luật do vi phạm của các thời kỳ, giai đoạn trước hoặc có đủ cơ sở, bằng chứng xác định không liên quan người đứng đầu.
Hoặc người đứng đầu có đủ cơ sở, bằng chứng chứng minh đã làm mọi biện pháp trong phạm vi thẩm quyền của mình để ngăn chặn hành vi vi phạm của cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý. Người đứng đầu tự phát hiện, xử lý kỷ luật và khắc phục xong hậu quả đối với hành vi vi phạm của cán bộ thuộc phạm vi phụ trách cũng không bị xử lý.
Người đứng đầu sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật ở hình thức khiển trách khi để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là ít nghiêm trọng; có từ 2 cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý trở lên bị kỷ luật ở hình thức giáng chức (đối với các trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) hoặc hạ bậc lương (đối với các trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) đối với các vụ việc có liên quan trực tiếp đến quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi, thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu cũng bị khiển trách khi có cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị kỷ luật buộc thôi việc. Hoặc có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận phải khắc phục nhưng không thực hiện khắc phục và chưa đến mức xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Người đứng đầu bị xem xét xử lý kỷ luật ở hình thức cảnh cáo khi để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng; có từ 2 cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý trở lên bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc hoặc có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giữ, tạm giam để điều tra theo quy định pháp luật đối với các vụ việc có liên quan trực tiếp đến quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi, thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Đặc biệt, người đứng đầu bị xem xét xử lý cách chức khi để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Hoặc có từ 3 cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc hoặc có từ 2 trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giữ, tạm giam để điều tra theo quy định pháp luật đối với các vụ việc có liên quan trực tiếp đến quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi, thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cũng bị cách chức khi có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật cách chức…