Theo báo cáo của UBND thị xã Đức Phổ, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, trên địa bàn phường Phổ Hòa, Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, có ảnh hưởng khu vực 2 của Di tích lịch sử Quốc gia mộ Huỳnh Công Thiệu, phường Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ.
Cả hai khu vực bảo vệ 1 và 2 nằm trong thửa đất số 983, tại tờ bản đồ số 08, tổ dân phố An Thường, phường Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ. Di tích đã được Phòng VH-TT thị xã Đức Phổ tiến hành cắm mốc bao quanh vào năm 2019.
Khu thờ trong khuôn viên Di tích lịch sử Quốc gia mộ Huỳnh Công Thiệu. |
Khi tiến hành giải phóng mặt bằng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn phường Phổ Hòa, UBND phường Phổ Hòa báo cáo Dự án có ảnh hưởng một phần diện tích khu vực 2 di tích lịch sử quốc gia mộ Huỳnh Công Thiệu.
Ngay sau đó, UBND thị xã Đức Phổ đã chỉ đạo Phòng VH-TT chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất, UBND phường Phổ Hòa kiểm tra thực tế. Kết quả Dự án đường cao tốc đã ảnh hưởng và xâm lấn khu vực 2 của di tích lịch sử quốc gia mộ Huỳnh Công Thiệu, phường Phổ Hòa với diện tích 11,5m2.
Khu mộ Huỳnh Công Thiệu. |
UBND thị xã Đức Phổ đã có báo cáo UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL tỉnh xem xét, quyết định và báo cáo Bộ VH-TT-DL có ý kiến.
Qua xem xét nội dung báo cáo của UBND thị xã Đức Phổ, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Đức Phổ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu nội dung đề nghị của UBND thị xã Đức Phổ, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định trước ngày 28-4.
Theo tài liệu ghi chép, những năm đầu của thế kỷ 17, Chánh Đề Lãnh Huỳnh Công Thiệu là bộ tướng, được vua Lê cử vào cai quản phủ Quảng Nghĩa để lãnh đạo công cuộc khai hoang và ổn định tình hình ở đây. Cùng với việc tạo dựng thôn ấp, tổ chức làm thủy lợi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của vùng này phát triển thành một trong những vựa lúa của phủ Quảng Nghĩa, Huỳnh Công Thiệu cũng đồng thời chăm lo công tác an ninh, quốc phòng, bảo vệ xóm làng, củng cố cộng đồng ngày càng yên vui hạnh phúc.
Để tưởng nhớ và lưu danh công lao của Huỳnh Công Thiệu, ngày 22 tháng 2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (năm 1890), nhân dân địa phương đã góp công của xây mộ, lập hai đền thờ và dựng bia ghi lại công tích của ông.