Tại phiên họp, các ý kiến đã nhất trí về sự cần thiết ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của Thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam (theo các quy định, hướng dẫn của OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế). Nghị quyết sẽ thể hiện rõ việc Việt Nam sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ 1-1-2024 để các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng có thể yên tâm về môi trường pháp lý, thuận tiện hoạch định chiến lược đầu tư và kinh doanh. Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định, quy định cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng các nội dung; phấn đấu ban hành trong tháng 12 để áp dụng thuế này từ 1-1-2024.
Xem xét tờ trình của Chính phủ điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 4 nội dung: giảm tổng mức đầu tư dự án; điều chỉnh diện tích đất thu hồi; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; bổ sung nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Nêu ý kiến về tờ trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, diện tích sử dụng đất tăng lên so với dự kiến ban đầu thì mới phải điều chỉnh chủ trương để thu hồi thêm; còn giảm đất thu hồi, không sử dụng đến thì tốt. Song, nếu thu hồi đất để thực hiện dự án mà sau này lại sử dụng cho mục đích khác thì “phải giải trình với Quốc hội”.
Báo cáo về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật vẫn quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất. Cách này có ưu điểm là rõ ràng cho việc áp dụng, đồng thời hạn chế tình trạng thu hồi đất tràn lan. Tuy nhiên, hạn chế là không dự liệu được tất cả trường hợp cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tán thành hướng tiếp cận như dự thảo, song Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, tiếp tục rà soát làm rõ từng trường hợp mới được bổ sung so với dự thảo trước đây, tránh vừa thiếu vừa thừa. Cùng mối quan tâm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo quy định cụ thể 27 trường hợp, song trong từng trường hợp lại tiếp tục có liệt kê và có thêm quy định khái quát “các trường hợp khác”. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cân nhắc cách thể hiện, tránh bị lạc hậu so với thực tiễn.