Tiềm năng
Kết quả khảo sát của một số công ty nghiên cứu thị trường quốc tế được công bố vào đầu năm 2021, người Việt Nam dành trung bình gần 7 giờ mỗi ngày trên Internet. Trong đó, thời gian dành cho truyền hình và các dịch vụ trực tuyến chiếm gần 1/2. Độ tuổi theo dõi nội dung trên các nền tảng OTT và VOD phổ biến nhất là từ 18 đến 34. Gần 70 triệu người sử dụng Internet cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường.
Trong tham luận “Thay đổi cuộc chơi tại Việt Nam: Nền kinh tế sáng tạo và cơ hội kinh tế từ VOD”, ông Fraser Thompson, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn AlphaBeta (Singapore), nhấn mạnh, dịch vụ này “đã sẵn sàng cho sự phát triển mạnh mẽ” tại thị trường châu Á nói chung. Dự báo ở Việt Nam, chi tiêu cho nội dung địa phương của VOD có thể tăng hơn 9 lần trong giai đoạn 2020-2025, cao nhất đến 64 triệu USD. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VOD trong nước có thể đạt mức cao nhất 44 triệu USD vào năm 2025.
Một tín hiệu lạc quan khác, dù YouTube là nền tảng phát trực tuyến được ưa chuộng nhất do miễn phí nhưng ngày càng nhiều người sẵn sàng trả tiền cho nội dung độc quyền và chất lượng cao hơn.
Bà Võ Ngọc Hân, Trưởng phòng Nội dung Galaxy Play, nhấn mạnh: “Trong tương lai gần, xu thế xem nội dung trả tiền sẽ phát triển mạnh. Sau đại dịch Covid-19, mọi người dần quen hơn với việc hạn chế ra ngoài mà vẫn xem được tại nhà nhiều nội dung thú vị, hấp dẫn qua VOD”.
Hiện thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Các đơn vị trong nước có lợi thế khi sở hữu nền tảng viễn thông: FPT (FPT Play), Viettel (Next TV), VNPT (MyTV), VTVcab (Oncab)... hoặc có kho nội dung độc quyền như Galaxy Play, DANET, VieON... Trong khi, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Iflix, Apple TV, Disney Plus, WeTV, IQIYI... có ưu thế nội dung giải trí đa dạng, vượt trội cho mọi lứa tuổi.
Cạnh tranh sôi động
Câu chuyện bản quyền được bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD, nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại các hội thảo trong và ngoài nước. Khi các nhà làm phim không được bảo vệ, không có lợi nhuận, họ không thể đầu tư cho các dự án tiếp theo. Các web xem phim lậu vẫn tồn tại, biến tướng, lách luật, ngay cả khi bị xử phạt, xóa sổ do vẫn có một số nhóm khán giả ủng hộ.
Còn theo bà Võ Ngọc Hân: “Người dùng Việt Nam chưa có thói quen trả phí để xem phim có bản quyền. Tình hình phim lậu tràn ngập trên mạng cũng làm giảm đi giá trị phim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận”. Bà Ngọc Hân đưa ra dẫn chứng, tại Galaxy Play chỉ tính từ năm 2020 đến nay đã có hơn 30 web phim lậu và rất nhiều link chia sẻ nguồn phim lậu được đăng tải trên các nền tảng xã hội như: Facebook (1.532 links), Fshare (1.466 links), YouTube (514 videos)… vi phạm nội dung bản quyền họ sở hữu.
Thách thức thứ 2 được nhắc nhiều hơn gần đây: cạnh tranh công bằng. Trung tuần tháng 12-2021, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội và các bộ liên quan, trong đó nhấn mạnh: “Hầu hết các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không qua đăng ký cấp phép, máy chủ đặt tại nước ngoài, vi phạm Luật Quảng cáo, trốn thuế; nội dung không qua kiểm duyệt, xuyên tạc...”.
Trong văn bản góp ý cho Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng như Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đều nhận ra nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân.
Bà Ngọc Hân nhấn mạnh: “Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng và cạnh tranh không bình đẳng bởi các doanh nghiệp nội địa sẽ bị hạn chế số nội dung cung cấp cho người dùng, lượng người sử dụng dịch vụ giảm, khiến doanh nghiệp thất thu…”.
Dù vậy, các doanh nghiệp nội địa vẫn đang nỗ lực rất nhiều nhằm mang đến những nội dung sáng tạo, đậm chất Việt cho khán giả. Sau đại dịch Covid-19, nhiều nhà sản xuất đã e dè hơn với việc sản xuất phim rạp, chuyển sang tìm hướng mới để sản xuất nội dung trực tuyến. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy kho nội dung trực tuyến ngày càng phát triển và đáp ứng được nhu cầu giải trí phong phú của người dùng. Cuộc cạnh tranh này càng sôi động, người dùng càng có nhiều lựa chọn.
Đến hết năm 2021, cả nước có 37 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, có mặt tại gần 70% tổng số gia đình cả nước, với gần 17 triệu thuê bao, đạt doanh thu trên 9.000 tỷ đồng. |