
Được giới thiệu là bộ phim truyện đậm màu sắc lãng mạn, hài hước, thực sự phim Bỗng dưng muốn khóc đã tạo được ấn tượng gì đối với khán giả màn ảnh nhỏ?
Sinh động đầu phim...
Các nhà làm phim gọi Bỗng dưng muốn khóc là câu chuyện cổ tích hiện đại nên cách kể chuyện mô phỏng mô-típ na ná kiểu truyện Andresen. Một cô gái mồ côi, nghèo, bán sách bên lề đường tên Trúc (Tăng Thanh Hà) đã trở thành thiên thần hộ mệnh cho Bảo Nam (Lương Mạnh Hải), chàng công tử con nhà giàu ăn chơi bạt mạng, thích bài bạc và tiêu tiền vô tội vạ.

Diễn viên Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải trong phim “Bỗng dưng muốn khóc”.
Xem phim, thỉnh thoảng, khán giả đã buột miệng nhận xét trước nhiều tình huống xảy ra trong suốt mấy mươi tập phim là “chuyện bịa!”.
Nhưng rồi, tuy gọi là “chuyện bịa” nhưng cách lý giải mọi tình huống, mọi kịch tính xảy ra giữa Nam, Trúc và các nhân vật khác như với Hiều, Nghĩa, nhóm Ngọc Diệp… vẫn tiếp tục thu hút người xem qua mỗi tập phim.
Điều đó phần nào cho thấy cách kể chuyện có duyên, dàn dựng phim khá sinh động, lôi cuốn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Chỉ đáng tiếc, ở các tập cuối, mạch phim gần như bị hụt hơi, đuối dần! Ở tập 30, khi nhân vật Hiều (Hiếu Hiền) “bị” biến mất, ca sĩ Thủy Tiên được vào thay thế, cố gắng tạo thêm “nốt nhạc vui” trong phim qua vai một cô gái cực kỳ vô duyên.
Thế nhưng, tiếp theo là những tình huống khá nhạt nhẽo, kể cả sự hé lộ “mở nút thắt” của chuyện phim! Thiếu vắng những chi tiết tươi tắn, sinh động bất ngờ ở đầu phim, khán giả bị hụt hẫng, nhàm chán ở phần cuối phim cũng vì vậy…
Bài học vào đời
Điều đáng nói, trong phim Bỗng dưng muốn khóc, tính chất giáo dục được thể hiện tương đối nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Bài học vào đời của Bảo Nam được “vỡ” ra từ hàng chuỗi tình huống thất bại của anh. Nam thấm thía nhận dần ra “thế thái nhân tình” và hiểu được giá trị đồng tiền do chính công sức lao động của mình.
Đưa nhiều hoạt động của đời thường lên phim như tập cưỡi xe đạp, rửa chén bát, chở nước, bán sách, tiết kiệm tiền bạc… là những chuyện nhỏ của Trúc và Nam trong cuộc sống. Nhưng qua đó, ý nghĩa giáo dục lao động, giáo dục nhân cách, rèn luyện con người thích nghi với hoàn cảnh sống được coi là vấn đề cốt lõi.
Tất nhiên, bên cạnh sự vươn lên của Nam, không thể không nhắc đến sự “rèn cặp” thật kiên trì, độ lượng của Trúc và cả sự nghiêm khắc, quyết tâm giáo dục lại con trai của ba mẹ Nam. Phát hiện quá nhiều thói hư, tật xấu và lối sống lười nhác, ích kỷ của Nam, ba mẹ anh đã kiên quyết “trục xuất” cậu quý tử ra đường theo kịch bản “trộm long, tráo phụng” do ông bà nghĩ ra.
Trong phim, tính tương tác của giáo dục còn thể hiện khi từ sự chân thành của Nam, Trúc cũng cảm nhận khá rõ sự khiếm khuyết kiến thức, hạn chế trình độ văn hóa, cách ứng xử trong cuộc sống (nhưng rất mơ hồ trong cảm nhận sự chớm nở của những bông hoa tình yêu, Trúc luôn nghĩ đến ảnh ảo của tình yêu là nhân vật Minh Đăng, “người bạn lớn” của thời thơ ấu…).
***
Dẫu sao, thành công của bộ phim truyện Bỗng dưng muốn khóc là kéo được khá đông khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ trong những giờ các tập phim phát sóng trên VTV1. Phim thu hút người xem nhờ câu chuyện lãng mạn, hài hước; ê-kíp diễn viên diễn xuất khá tốt; nhân vật chính đẹp đôi, nhân vật phụ đầy ấn tượng; phim quay hình ảnh đẹp, không gian đẹp…
Chỉ hơi tiếc, trong phim “sự có mặt” can thiệp và cắt nghĩa hơi nhiều của đạo diễn cho từng hành động nhân vật sau mỗi tình huống, dễ tạo tâm lý phản tỉnh đối với người xem. Từ sự thưởng thức mang tính phản tỉnh, gián cách này, người xem dễ dị ứng với cách tạo dáng “thay đổi xiêm y xoành xoạch” một cách lãng mạn của nhân vật Trúc và Nam (dù Nam đã rơi vào tình cảnh không tiền, phải bán đi khá nhiều quần áo của anh).
Người xem chê trách sự thiếu nhạy bén của Nam mỗi khi anh kiểm tra trình độ chữ nghĩa và đọc sách cho Trúc nghe. Nam kém tinh tế để nhận ra Trúc bị mù chữ hay là do đạo diễn cố tình kéo dài sự lãng mạn?! Cho nên, dù các nhà làm phim cố lý giải tính mỹ thuật tạo hình ảnh đẹp cho phim, cách thực hiện kiểu phim lãng mạn không giống kiểu phim hiện thực, ý nghĩa quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài v.v…, người xem vẫn thích “bị rơi” vào thế giới nghệ thuật của phim một cách gần gũi, tự nhiên, đầy cảm xúc sống thực hơn là… bị bội thực chất “cổ tích hóa”! Trong phim kiểu lãng mạn vẫn cần yếu tố hiện thực với một liều lượng thích hợp. Có lẽ đó cũng là một cách mang lại hiệu quả nghệ thuật cao, giàu tính thuyết phục hơn khi phim đến với khán giả.
(*) Phim Bỗng dưng muốn khóc 35 tập, phát sóng 20g ngày thứ hai, ba, tư hàng tuần trên kênh VTV1.
KIM ỬNG