Thế nhưng, thời gian gần đây, mấy lần mở tivi lên xem, mẹ tôi cứ thắc mắc: “Ủa, sao chương trình gì của con nít mà ban giám khảo cãi nhau ỏm tỏi như cái chợ chồm hổm vậy bây?”; “Sao ban giám khảo hè nhau nhận xét mà như công kích thí sinh vậy?”; “Diễn viên hài mà đi làm giám khảo cuộc thi âm nhạc chi rồi cãi nhau, nói nhiều không khác cái chợ vậy trời?”…
Chưa kể, mới xem hết chương trình này, bấm qua một kênh khác xem gameshow khác cũng thấy dàn MC, giám khảo, khách mời, người chơi tương tự. Hôm sau, coi chương trình khác nữa thì thấy nguyên dàn MC, ban giám khảo hôm qua lại trở thành thí sinh. Lui tới mấy gương mặt diễn viên hài “càn quét” các chương trình.
Những điều mẹ tôi thắc mắc, khó chịu chắc hẳn không phải cá biệt. Phải nói rằng, trong mảng MC gameshow truyền hình, nghệ sĩ T.T và T.G nhiều năm qua gần như xây dựng được “đế chế” riêng. Chưa kể, các nghệ sĩ khác như V.H, H.L, C.T, H.W, Đ.N, M.V.K… từ gameshow ca nhạc đến ẩm thực, thử thách trí thông minh, đều thấy các gương mặt “thân quen” này ngồi ghế giám khảo, MC hay thậm chí là người chơi.
Gameshow truyền hình ngày càng trở thành sân khấu độc tôn của các diễn viên hài. Hiện tại, để đáp ứng tính giải trí cho một gameshow truyền hình, diễn viên hài thường là lựa chọn đầu tiên của nhà sản xuất. Họ có nhiều biệt tài như ứng khẩu, ca hát, làm thơ, nhảy múa… Cũng không thể phủ nhận sức hút của các gameshow có sự tham gia của đối tượng này. Tuy nhiên, mật độ dày đặc vậy khiến khán giả chúng tôi ngày càng kém hào hứng. Những chiêu trò tung hứng, màn tranh luận mà như cãi nhau đã khiến các chương trình về sau kém hấp dẫn, nếu không muốn nói là như cái chợ. Nhất là khi diễn viên hài chỉ giỏi diễn nhưng không giỏi ở những vai trò khác, thành ra họ lấy cách diễn hài ra khỏa lấp nhưng kém duyên, ồn ào…
Cách đây chừng một tháng, tôi sốc khi xem màn “đấu khẩu”, “đá xéo” nhau kịch liệt, liên tục, thậm chí dùng những lời lẽ không phù hợp trong chương trình dành cho trẻ em Model Kid Vietnam của 2 người mẫu Mâu Thủy, Hương Ly (vai trò huấn luyện viên). Tôi nhớ trong tập 4, Mâu Thủy giành chiến thắng và ra sức chất vấn Hương Ly rồi dẫn đến xung đột. Mà không chỉ có tập này, ở một số tập khác, cách ứng xử của 2 huấn luyện viên trên và nhiều người lớn khác gây nhiều khó chịu. Chương trình dành cho trẻ con rất ý nghĩa mà thấy người lớn đấu đá, mỉa mai nhau là chính. Chương trình người lớn coi đã ngập cảnh này, qua chương trình cho các bé cũng không tha, cãi nhau như cái chợ trước mặt các bé sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ.
Không thể phủ nhận nhiều gameshow truyền hình có chất lượng được lòng khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít chương trình nhảm nhí với những nội dung phản cảm nhạt nhẽo. Ngày càng có lý do để tin rằng, những màn cãi vã trên sóng truyền hình chủ yếu là sự dàn dựng để hút view.
Rõ ràng, dù là gameshow nhưng đó không đơn thuần chỉ mang tính chất giải trí trên sóng truyền hình mà còn là những sản phẩm văn hóa gắn liền với đời sống người dân. Cho nên, chương trình gameshow càng cần phải có tính chân thiện mỹ cao, đừng quá dễ dãi!