Quãng đường di chuyển khá ngắn, từ Bến xe quận 8 (TPHCM) đến Cần Đước (Long An) với thời gian chỉ hơn một tiếng đồng hồ vào buổi sáng cuối tuần. Vì chưa thử lần nào nên trước chuyến đi, câu chuyện bàn tới bàn lui dường như dài hơn, cũng bởi những lời thêm bớt, kiểu: Đi xe buýt về miền Tây những chặng ngắn thường không có máy lạnh, mùa nóng mà chen nhau đông đúc, cực lắm. Vậy nhưng, vì tò mò, bạn tôi vẫn quyết thử. Và sau chuyến đi, cô bạn hào hứng rủ rê lần tới tiếp tục chọn đi xe buýt.
Trong câu chuyện được kể lại, chuyến xe đúng là không bật máy lạnh. Hành khách có cơ hội được tận hưởng toàn bộ gió trời, cửa sổ được mở tối đa, vài chiếc quạt “con cóc” không át được cái nắng cháy da. Chuyến xe này cũng đặc biệt bởi không chỉ dừng ở các trạm đón, trả khách mà còn kiêm cả nhiệm vụ “giao hàng” với đủ các loại đồ đạc được gửi kèm. Người đi xe đa phần là dân lao động, buôn bán hoặc sinh viên học trên thành phố, vì trạm cuối kéo dài đến tận Gò Công (Tiền Giang). Họ quen đường đến mức, hành khách nào mới lên xe chỉ cần nói muốn xuống trạm nào thì ai cũng thuộc nằm lòng vị trí đó ở đâu. Dẫu chẳng quen biết, câu chuyện trên xe cũng rôm rả về vụ lúa mới gặt, vườn chôm chôm đang độ thu hoạch rộ, chuyện coi sóc đìa tôm, ao cá hay cả câu chuyện giỗ chạp khi thấy người mới lên khệ nệ túi lớn túi nhỏ bánh, trái. Những câu chuyện chân chất ấy khiến quãng đường di chuyển dường như ngắn hơn.
Đường về miền Tây hôm nay không còn nhiều những chuyến xe buýt lấy khí trời làm gió mát như thế. Bởi, dù các chặng đường ngắn dài khác nhau nhưng đều đã xuất hiện những chuyến xe được trang bị hiện đại với ghế mềm, máy lạnh phà phà mát rượi. Xa hơn chút, khách có thể chọn xe giường nằm, phòng ngủ được trang bị tối tân. Lên xe, chỉ cần báo lơ xe điểm xuống là có thể yên tâm ngủ một giấc, tỉnh dậy đã thấy đến nơi. Có lẽ trên những chuyến xe tiện nghi ấy, chẳng còn mấy ai nhớ đã có thời từ miền Tây lên đến Sài Gòn phải tính bằng ngày với những chuyến đi lênh đênh trên sông nước.
Nhắc đến chuyện này, tôi lại nhớ chuyến đi đến cực Nam tổ quốc năm 2014. Khi đó phải di chuyển qua mấy chặng, hết xe khách, xe ôm rồi ca nô mới đến nơi. Ngồi trong ca nô kín mít, sóng đánh trắng xóa hai bên mạn, suốt dọc đường xen kẽ giữa sắc xanh bạt ngàn của rừng đước là những ấp của người dân sống dọc hai bên bờ sông. Nhưng, cuối năm 2023, khi về lại mũi Cà Mau, xe đã băng băng đến tận nơi với con đường trải nhựa thẳng tắp giữa rừng đước. Và, vùng đất mũi - nơi từng được coi là “ốc đảo” ngày nào - giờ mỗi ngày lại thêm nhộn nhịp hơn, nhất là vào các dịp lễ. Các công ty du lịch ngày càng nở rộ, đưa người dân, du khách đến tận nơi để đứng trên “mũi tàu ta đó mũi Cà Mau” dưới lá cờ tổ quốc phần phật trong gió. “Đường lớn đã mở” để thấy về miền Tây hôm nay sao thênh thang đến thế.