Đó là hoạt động ngay tại văn phòng doanh nghiệp; hoạt động tại các cây xăng hoặc trong các bãi có chức năng giữ xe; hoạt động trên đường phố. Tại các văn phòng doanh nghiệp có hoạt động trá hình bến cóc, xe dù thì bản thân doanh nghiệp đều “thủ sẵn” giấy phép kinh doanh vận tải du lịch bằng ô tô. Với giấy phép ấy, các doanh nghiệp vận tải có thể giải thích với ngành chức năng đây là nơi tư vấn, đặt chỗ, đón trả khách du lịch, lữ hành, hợp đồng vận chuyển hành khách lẫn nhận ký gởi hàng hóa.
Các bến cóc, xe dù trên đường phố thường nảy sinh từ việc lợi dụng nơi đậu xe có thu phí hoặc cho phép đậu xe theo ngày chẵn, lẻ. Loại hình này xuất hiện nhiều dọc theo các trục quốc lộ, trước các khu du lịch hoặc hình thành lén lút trong khu dân cư để đưa rước bạn hàng, khách quen.
Từ những năm đầu của thập niên 2000 trở về trước, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định còn mang tính chất độc quyền, chỉ những đơn vị vận tải được phân công mới được làm dịch vụ này. Đây chính là nguồn cơn nảy sinh xe dù, bến cóc và ban đầu tập trung chủ yếu xung quanh các bến xe.
Từ năm 2002, sự độc quyền khai thác vận tải hành khách theo tuyến cố định được xóa bỏ, thế nhưng xe dù, bến cóc vẫn tồn tại vì nhiều hành khách muốn được đưa đón tại nhà, tại bệnh viện, tại khu du lịch, tại trung tâm mua sắm… Từ đây xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch để hoạt động vận chuyển hành khách trái quy định - tức xe dù; công khai bán vé cho hành khách, đón khách tại bất kỳ địa điểm nào - tức bến cóc.
Cũng có một lý do khác đến từ sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng xe. Trong cuộc cạnh tranh ấy, những đơn vị “lép vế” hơn dễ có khuynh hướng chuyển ra hoạt động tại các tụ điểm đón, trả khách trái phép.
Lãnh đạo Bến xe Ngã tư Ga và Bến xe miền Tây có chung nhận định rằng, hệ quả của việc này là xe trong bến giảm, còn xe chạy tuyến cố định trá hình dưới hình thức xe hợp đồng lại lấn lướt.