“Xẻ thịt” đất rừng, đất nông nghiệp - Bài 3: Cần xử lý nghiêm trách nhiệm

Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của đại diện một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhằm làm rõ bản chất những vi phạm và các biện pháp xử lý dứt điểm.
Quanh hồ Đồng Đò, một số công trình nhà ở, nghỉ dưỡng được xây dựng sát bìa đồi
Quanh hồ Đồng Đò, một số công trình nhà ở, nghỉ dưỡng được xây dựng sát bìa đồi

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng, tình trạng xâm lấn đất nông nghiệp, đất rừng và vi phạm trật tự xây dựng kéo dài dai dẳng lâu nay tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội (Báo SGGP đã phản ánh trong các số báo ngày 20 và 21-9) là do những bất cập trong quy hoạch, công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng bị buông lỏng. Trước tình trạng này, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của đại diện một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhằm làm rõ bản chất những vi phạm và các biện pháp xử lý dứt điểm.

GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT:

Không thể để sai phạm tồn tại rồi điều chỉnh quy hoạch

Vi phạm đất rừng, đất nông nghiệp ở huyện Sóc Sơn và một số huyện ngoại thành Hà Nội vẫn tiếp diễn. Quyền lực nằm trong tay chính quyền nhưng tư nhân vẫn lấn chiếm hoặc tìm cách làm trái pháp luật. Việc đó chỉ có một giải thích là có thể xuất hiện hình ảnh “phong bì” trong câu chuyện này. Nhìn rộng hơn, đây là tình trạng quản lý không đúng pháp luật. Những người cũ gây ra, không chịu quản lý thì người mới đang nắm quyền phải xử lý. Nhưng, vì sao bao nhiêu năm qua không làm được?

Ngoài nhiệm vụ quản lý, cấp huyện còn có một nhiệm vụ nữa là thanh tra, kiểm tra. Cứ cho rằng xã “làm bậy” hoặc giấu giếm, chẳng lẽ huyện không nghe ý kiến người dân phản ánh và cho kiểm tra, xử lý ngay những phản ánh ấy? Sai phạm lúc nào phải xử lý theo hiện trạng lúc đó. Không thể để sai phạm tồn tại thời gian dài rồi điều chỉnh quy hoạch và xử lý sai phạm theo quy hoạch mới. Nếu điều này xảy ra, đây cũng là một dạng tham nhũng. Về phía Hà Nội, tôi cho rằng không có cách giải quyết nào khác, Thành ủy Hà Nội cần phải vào cuộc.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TPHCM:

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại một số huyện có rừng ở Hà Nội, trong đó có thể kể đến như: thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng địa phương, không kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động xây dựng trên địa bàn; thiếu minh bạch trong cấp phép xây dựng, có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, để cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng trái phép… Trong công tác quản lý xây dựng, cấp huyện đóng vai trò rất quan trọng. Cấp huyện không thể trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra sai phạm ở cấp xã, mà cần hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để.

Hiện nay, tùy vào tính chất, mức độ hành vi lấn chiếm đất rừng, vi phạm về rừng phòng hộ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Về hành chính, cá nhân có hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ có thể bị phạt tiền từ 3-150 triệu đồng; buộc khắc phục hậu quả như: khôi phục tình trạng ban đầu của đất; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Về hình sự, trường hợp lấn chiếm rừng, vi phạm về rừng phòng hộ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” tại Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ông LÊ MINH TUYÊN, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội:

Sớm rà soát hiện trạng rừng

Tình trạng xâm chiếm đất rừng tại huyện Sóc Sơn và một số huyện ngoại thành có rừng diễn ra khá phức tạp, nhất là khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú). Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép, 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép. Từ đầu năm đến nay, Sở NN-PTNT Hà Nội đã có nhiều công văn đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm vụ việc vi phạm. Bởi, phần lớn diện tích đất rừng này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là đơn vị thuộc Sở NN-PTNT.

Hiện nay, khu vực 2 hồ Ban Tiện và Đồng Đò chưa có quy hoạch, chưa có mốc giới. Lực lượng kiểm lâm địa bàn rất vất vả trong việc ngăn chặn người dân xây dựng công trình kiên cố trên đất lâm nghiệp. Quá trình thi hành công vụ, không ít trường hợp xây dựng trái phép nhưng bất hợp tác với lực lượng chức năng vì cho rằng việc xử lý công trình vi phạm không thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm. Do đó, cần sớm rà soát hiện trạng rừng, những diện tích phù hợp quy hoạch và được bóc tách thì các sở, ngành phối hợp huyện bóc tách để phù hợp với quy định. Những diện tích đã quy hoạch trong lâm nghiệp, không được bóc tách thì buộc phải cắm mốc ranh giới để thực hiện theo Luật Lâm nghiệp.

UBND huyện Sóc Sơn né trách nhiệm?

Để tiếp tục làm rõ các thông tin và bảo đảm khách quan, chúng tôi đã liên hệ với ông Đoàn Hiệp, Chánh Văn phòng UBND huyện Sóc Sơn và ông Hiệp đã giao cấp phó của mình là ông Nguyễn Hữu Thông. Sau khi đề nghị chúng tôi gửi nội dung, câu hỏi cần tìm hiểu vào Zalo của ông Thông để báo cáo lãnh đạo và xin ý kiến, nhiều ngày trôi qua và sau nhiều lần liên hệ ông Thông về phản hồi của UBND huyện Sóc Sơn, nhóm phóng viên Báo SGGP lại được giới thiệu cho ông Nguyễn Văn Toàn là Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với ông Toàn thì ông Toàn từ chối trả lời vì chưa có ý kiến từ phía văn phòng!?

Chiều 21-9, nhóm phóng viên Báo SGGP quay trở lại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn để đề nghị được làm rõ các vấn đề liên quan tới những sai phạm trong quản lý đất rừng và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn như đã đề nghị trước đó. Tuy nhiên, ông Đoàn Hiệp báo bận họp, trong khi ông Thông hẹn dịp khác và nói sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị chức năng của huyện để trả lời báo.


Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, hiện có khoảng 28.000ha rừng trên địa bàn 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất và Sơn Tây) chưa được cắm mốc ranh giới, chưa có bản đồ số hóa và đang bị chồng lấn với nhiều loại đất khác dẫn đến các hệ lụy. Trước thực trạng này, từ năm 2022, Sở NN-PTNT Hà Nội đã tham mưu cho TP Hà Nội ban hành kế hoạch chỉ đạo 7 huyện, thị xã nêu trên rà soát, cắm mốc, số hóa toàn bộ diện tích rừng và giao ngành nông nghiệp quản lý. Tuy nhiên, đến nay, việc rà soát chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải quyết tồn tại chồng lấn giữa đất rừng và đất khu dân cư ở một số địa bàn.

Theo Kế hoạch số 154/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xử lý việc lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng quy định, quy chế trình UBND TP Hà Nội phân công rõ trách nhiệm thực hiện, phối hợp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhất là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và cán bộ chuyên môn thuộc UBND cấp xã.

Tin cùng chuyên mục