Xuất hiện mọi nơi
Có mặt từ sáng sớm trên tuyến đường ĐT743, đoạn từ cầu vượt Gò Dưa, quận Thủ Đức (TPHCM) đến ngã sáu An Phú, thị xã (TX) Thuận An, tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã thấy hàng trăm phương tiện chen chúc lưu thông, chủ yếu là xe container, xe ben xuôi ngược chạy hàng đôi, hàng 3 từ cửa ngõ các khu công nghiệp (KCN) và các kho hàng đi ra, ép người đi xe máy phải chạy lên vỉa hè, nhất là tại khu vực ngã tư 550 (phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An) và nút giao thông An Phú. Tuyến đường này dài khoảng 10km, là tuyến đường trọng điểm lưu thông của các xe tải nặng vận chuyển hàng hóa từ KCN Sóng Thần, KCN Đồng An, KCN Bình Chiểu.
Ông Nguyễn Đức Huy (52 tuổi, tài xế xe ôm khu vực ngã tư 550) cho biết, các xe tải qua lại trên tuyến đường chở quá tải và chạy rất ẩu. Mỗi khi khu vực ngã tư chuyển đèn đỏ là tài xế phải rà thắng từ xa hàng chục mét mới có thể dừng đúng vạch, có khi liều mình bấm còi inh ỏi cho xe chạy lướt qua hoặc dừng ở giữa ngã tư.
Khu vực quốc lộ 1K (đoạn từ phường Bình An, TX Dĩ An đến phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tình trạng xe quá tải lưu thông cũng rất phổ biến, chủ yếu do xe ben vận chuyển đá từ cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp (TX Dĩ An) vận chuyển đi nhiều tỉnh thành tiêu thụ, mặc dù có cân tải trọng ngay lối ra vào mỏ nhưng cánh tài xế vẫn bằng nhiều cách khác nhau chở vượt tải trọng cho phép và dù có bạt che nhưng khi lưu thông vẫn để đá dăm rơi vãi, khiến mặt đường lổn nhổn.
Khu vực đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn từ TX Thuận An đến TP Thủ Dầu Một) cũng chứng kiến cảnh tương tự khi các loại xe tải tấp nập di chuyển từ các cảng hàng hóa đi các địa phương, thường xuyên gây ùn ứ, chạy lấn sang làn đường dành cho xe 2 bánh. Dù mới đưa vào sử dụng hơn 2 năm qua nhưng tuyến đường này đã xuất hiện hàng chục vị trí bị lún, sóng trâu mà nguyên nhân chính là do xe quá tải.
Xử lý không xuể do lực lượng mỏng
Trong khi ngành chức năng chưa có các giải pháp hiệu quả hạn chế xe quá tải lưu thông thì các doanh nghiệp và cánh tài xế lại có nhiều chiêu thức tiếp tục cho xe quá tải lưu thông. Điển hình là tình trạng cố tình trà trộn xe quá tải và di chuyển vào giờ cao điểm, ở những khu vực dễ gây ùn tắc giao thông, dù lực lượng chức năng có phát hiện cũng không thể dừng phương tiện xử lý, việc này thường xuyên được ghi nhận trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 743… Bên cạnh đó, không ít chủ xe chi tiền thuê người theo dõi, khi lực lượng chức năng xuất quân đi kiểm tra thì lập tức được thông tin để án binh bất động, nên rất khó xử lý dứt điểm.
Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Dương, cho biết, do địa bàn tỉnh trải rộng và có rất nhiều đường ngang, trong khi lực lượng lại khá mỏng và thiếu sự phối hợp giữa các địa phương nên trong thời gian qua lực lượng chức năng vẫn chưa thể ngăn chặn hiệu quả. Hiện Thanh tra Sở GTVT Bình Dương chỉ có 33 người, trong đó các địa bàn thường xuyên có xe quá tải lưu thông như TX Dĩ An, Thuận An được bố trí 4 người/ địa phương, riêng TX Bến Cát và huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng chỉ có 4 cán bộ thanh tra làm việc, vì vậy không thể bám sát địa bàn 24/24 giờ để ngăn chặn xe quá tải.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở GTVT Bình Dương đã xử phạt nhiều trường hợp với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng, riêng tháng 7-2018 đã xử phạt hành chính doanh nghiệp có hành vi vận chuyển quá tải trọng cho phép gần 900 triệu đồng. Dù biết tình trạng xe quá tải lưu thông, nhất là xe ben nhưng không thể làm cùng lúc trên các tuyến đường mà chỉ có thể tập trung lực lượng làm trọng điểm ở một số địa phương và các tuyến đường gần đây rộ lên tình trạng xe quá tải như đường ĐT 744, ĐT 749 và khu vực lòng hồ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), đường ĐT 746 (khu vực mỏ khai thác đá đến bến thủy nội địa)…