Các xe “khủng” này còn phóng nhanh, vượt ẩu, làm hư hỏng cầu đường, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người. Tại TPHCM, tình trạng này đang nở rộ tại các quận, huyện vùng ven.
Một xe đầu kéo chở thép cuộn quá tải, không buộc cột cẩn thận làm thép rơi xuống đường khi lưu thông trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM)
Chở hết thùng, chạy hết ga
Tối 10-6, phóng viên Báo SGGP có mặt trên đường Nguyễn Văn Linh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) và ghi nhận rất nhiều xe tải, xe ben cơi thùng chở vật liệu xây dựng, xe đầu kéo hai trục chở container (loại 40 feet) thi nhau “tra tấn” tuyến đường này.
Khoảng 20 giờ, xe đầu kéo biển số 51C-643… chở gần chục cuộn thép lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh (hướng Bình Chánh đi quận 7) với tốc độ rất nhanh. Đến nút giao với đường Phạm Hùng, trụ tín hiệu báo đèn đỏ, tài xế xe đầu kéo cố hãm phanh nhưng xe vẫn cứ lao ra giữa giao lộ. Vụ việc làm nhiều người lưu thông đúng luật ở giao lộ hoảng sợ, vứt xe bỏ chạy, rất may không có thương vong xảy ra.
Quan sát tại đây trong 30 phút, chúng tôi ghi nhận có cả trăm xe ben, xe container có dấu hiệu chở quá tải lưu thông qua lại. Một số trường hợp phóng nhanh vượt ẩu, cố chạy qua giao lộ khi trụ tín hiệu đã báo đèn vàng, suýt dẫn đến va quẹt, tai nạn.
Ông Đặng Văn Hùng, chủ lò bánh mì ở góc đường Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), bức xúc: “Cứ vài hôm, ở đây lại xảy ra va quẹt, tai nạn. Thủ phạm là những xe ben, xe công (container - PV) chở quá tải, phóng nhanh, giờ ai cũng sợ mỗi khi đi qua giao lộ. Ở đây, vi phạm diễn ra hàng ngày, hàng giờ, cảnh sát giao thông (CSGT) thường xuyên có mặt nhưng hiếm khi thấy dừng xe xử phạt. Thật khó hiểu!”.
Xe ben chở cát quá tải, che chắn bạt sơ sài lưu thông trên đường Nguyễn Xiển, quận 9
Ở quận 9, xe quá tải, quá khổ cũng hoạt động bát nháo, lộng hành không kém. Trên các tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Tăng, Hoàng Hữu Nam…, vào sáng sớm, chiều tối, hàng chục xe ben, xe tải cơi thêm thùng, chở đất, vật liệu xây dựng (cát, đá xay) thi nhau chạy bạt mạng. Nhiều xe che bạt rất sơ sài, làm cát, đá đổ tràn lan xuống đường, gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho người lưu thông.
“Ngày nào chúng tôi cũng phun xịt nước ra đường để đỡ bụi nhưng không xuể, vì không phải một vài xe làm đổ đất, cát xuống đường mà có rất nhiều xe. Bà con rất bức xúc, nhiều lần phản ánh lên phường, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, nhưng vẫn không có chuyển biến”, bà Ngọc Loan (ngụ đường Nguyễn Xiển) cho biết. Tình trạng trên cũng diễn ra tại nhiều tuyến đường như: quốc lộ 50 (Bình Chánh), Tỉnh lộ 10 (Bình Tân), Tô Ký, Lê Văn Khương (Hóc Môn), Nguyễn Duy Trinh (quận 2)…
Đường hư hỏng, TNGT liên tục xảy ra
Bị xe quá tải, quá khổ “tra tấn” nhiều năm qua, con đường Hoàng Hữu Nam (quận 9) giờ như “đường ruộng”. Mặt đường dày đặc ổ voi, ổ gà, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bay mù mịt. Vì không chịu nổi, nhiều hộ dân có nhà mặt tiền ở đường này đã bán nhà đi nơi khác ở, hoặc lấy nhà làm xưởng, kho chứa hàng. Các tuyến đường Võ Văn Vân, Quách Điêu (huyện Bình Chánh); Tạ Quang Bửu, Cao Lỗ (quận 8), Lê Văn Khương (quận 12)… cũng có số phận tương tự.
Không chỉ làm cầu đường xuống cấp, xe quá tải, quá khổ lộng hành còn gây ra nhiều vụ va quẹt, TNGT gây hậu quả nghiêm trọng. Tính riêng trên địa bàn quận 9, trong 6 tháng đầu năm 2017, tại quận này đã xảy ra 21 vụ TNGT liên quan đến xe tải, xe container, làm 21 người chết; 41 vụ va chạm, làm 24 người bị thương. Đáng lo ngại hơn, số vụ TNGT do xe ben, xe tải chở quá tải gây ra có chiều hướng gia tăng mạnh.
Thanh tra giao thông TPHCM cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, qua công tác tác tuần tra, chốt chặn, lực lượng này đã phát hiện, xử lý 1.438 trường hợp phương tiện vi phạm lỗi chở quá tải trọng, tổng số tiền phạt hơn 14 tỷ đồng. Địa bàn có số lượng phương tiện vi phạm nhiều là các quận 2, 8, 9, Bình Chánh, với gần 450 trường hợp phương tiện phạm. “Trên thực tế, con số vi phạm nhiều hơn gấp nhiều lần”, một cán bộ Thanh tra giao thông cho hay.
Thanh tra giao thông bất lực?
21 giờ tối 3-5, xe đầu kéo 51C-788.58 lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) với tốc độ nhanh, có dấu hiệu chở quá tải. Phát hiện, tổ Thanh tra giao thông tổ chức chặn xe, yêu cầu xe vào trạm cân. Lúc này, tài xế điều khiển xe vào gần trạm cân nhưng không xuống xe, rồi liên tục bấm điện thoại nói chuyện. Vài giờ sau, chiếc xe này không bị cân và chạy về hướng cầu Phú Mỹ, không bị sự ngăn chặn nào từ lực lượng Thanh tra giao thông. Chứng kiến sự việc, ông Nguyễn Hữu Bằng (nhà trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7) bức xúc: “Tại sao TTGT không xử lý mạnh tay với trường hợp tài xế bất chập pháp luật nêu trên? Trong trường hợp không đủ thẩm quyền, nghiệp vụ để cưỡng chế tài xế vi phạm, sao TTGT không phối hợp cùng cảnh sát giao thông và các đơn vị nghiệp vụ khác để xử lý. Phải chăng có tiêu cực tại đây?”.
Ngăn chặn xe quá tải, quá khổ: Cách nào?
Vì sao xe quá tải, quá khổ lộng hành? Giải pháp nào để ngăn chặn? Phóng viên Báo SGGP đã ghi lại ý kiến của đơn vị chức năng về vấn đề này.
Vì sao xe quá tải, quá khổ lộng hành? Giải pháp nào để ngăn chặn? Phóng viên Báo SGGP đã ghi lại ý kiến của đơn vị chức năng về vấn đề này.
Trung tá NGUYỄN VĂN HOÀNG, Đội trưởng Đội CSGT Công an quận 9
Phạt hết khung, hạn chế thời gian, tốc độ lưu thông
Phạt hết khung, hạn chế thời gian, tốc độ lưu thông
Việc xử lý xe chở quá tải, quá khổ tại quận 9 rất khó khăn, do trên địa bàn quận hiện có khoảng 200 doanh nghiệp vận tải, hơn 100 bãi xe (xe ben, xe tải, xe container) hoạt động, số lượng phương tiện lên đến hàng ngàn. Chưa kể, mỗi ngày còn có hàng trăm lượt xe ra vào các cảng trên địa bàn. Vì lợi nhuận, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải đã cơi nới thùng xe, chở hàng hóa quá tải trọng cho phép. Tài xế lái phương tiện thì bất chấp nguy hiểm, vô tư phóng nhanh vượt ẩu. Thực tế trên đã làm nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng, TNGT gây chết người xảy ra.
Trước tình hình trên, thời gian qua, CSGT quận 9 tăng cường tuần tra, chốt chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, phạt hết khung đối với các trường hợp vi phạm lỗi chở quá tải, quá khổ, làm rơi rãi hàng hóa - vật liệu trên đường, phóng nhanh vượt ẩu; tuyên truyền, yêu cầu doanh nghiệp vận tải viết cam kết không vi phạm… Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mới giải quyết phần ngọn, chưa mang lại hiệu quả cao. Hiện đơn vị đang đề xuất cấp trên trang bị cân tải trọng xách tay để CSGT linh động xử lý, tăng hiệu quả. Để ngăn chặn xe quá tải, quá khổ, tôi đề nghị khi cấp phép kinh doanh bến bãi cho doanh nghiệp, cơ quan cấp phép cần xét đến điều kiện tải trọng của các tuyến đường xung quanh, nếu tải trọng của đường thấp thì cương quyết không cấp, để xe quá tải không phá đường, hạn chế nguy hiểm cho người lưu thông trong khu vực. Bên cạnh đó, cần nâng mức phạt đối với lỗi đi vào đường cấm, vì mức phạt 1 triệu đồng hiện nay không đủ sức răn đe.
Đa số các tuyến đường ở ngoại thành TPHCM chỉ có chiều ngang từ 8m - 10m, trong khi tốc độ lưu thông cho phép hiện nay là 80km/giờ. Đường hẹp, xe chở hàng quá tải, quá khổ lại chạy với tốc độ nhanh, càng dễ xảy ra tai nạn. Theo tôi, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cần nghiên cứu điều chỉnh, giảm tốc độ lưu thông trên các tuyến đường ngoại thành, nhất là các tuyến đường ngang qua khu dân cư, xuống 40km/giờ. Ngoài ra, cũng nên hạn chế thời gian lưu thông đối với xe tải, xe ben, xe container vào các giờ cao điểm, chỉ nên cho lưu thông từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, để hạn chế nguy hiểm cho người dân.
Ông LÊ HỒNG VIỆT, Phó Chánh Thanh tra giao thông TPHCM
Tăng quân số ở các điểm nóng
Tăng quân số ở các điểm nóng
Sở dĩ tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động phức tạp là do lượng phương tiện (xe tải, xe ben, xe container…) tăng nhanh, trong khi công tác tuần tra, xử lý của lực lượng Thanh tra giao thông còn nhiều bất cập. Hiện nay, một đội Thanh tra giao thông phụ trách từ 3-5 quận huyện (vài trăm tuyến đường), trong khi quân số chỉ hơn 20 người. Ngoài tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện vi phạm trong lưu thông, lực lượng Thanh tra giao thông còn làm nhiều nhiệm vụ khác như: kiểm tra hạ tầng giao thông, xử lý công trình giao thông vi phạm… Do đó, Thanh tra giao thông khó có thể kiểm soát, phát hiện kịp thời tất cả các trường hợp xe chở quá tải, quá khổ; vận chuyển hàng hóa không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, do chiều ngang hầu hết các tuyến đường ở ngoại thành hẹp (chỉ 10m - 15m), nên việc dùng cân di động đo tải trọng ngay trên đường cũng bị hạn chế, vì dễ gây ùn ứ, ách tắc giao thông cục bộ trên đường.
Để ngăn xe quá tải, quá khổ lộng hành, hạn chế TNGT do các phương tiện này gây ra, hiện Thanh tra giao thông TPHCM đang điều chỉnh quân số, rút thanh tra viên ở các đội trung tâm để tăng cường cho các đội phụ trách các quận, huyện ven, ngoại thành - nơi xe có xe quá tải, quá khổ hoạt động phức tạp.
PHẠM MINH ghi