Muôn kiểu lấn chiếm
Dạo qua một số con hẻm dọc theo các tuyến đường từ quận ven nội thành đến trung tâm thành phố, chúng tôi ghi nhận tình trạng ô tô chiếm hẻm làm bãi đậu xe cá nhân khá phổ biến ở nhiều nơi.
Tại quận Phú Nhuận, trên đường Đào Duy Anh có bố trí 2 bãi giữ ô tô lớn, vậy nhưng, vào buổi tối, một số chủ xe vẫn chiếm lòng hẻm trong các khu dân cư để đậu xe qua đêm. Cách đó không xa, nhiều con hẻm nhỏ trên đường Trần Huy Liệu cũng bị chiếm dụng làm nơi đậu xe trái phép.
Tại quận 3, trên đường Lê Văn Sỹ, hầu như con hẻm nào có thể đậu xe đều có ít nhất 2 ô tô lấn chiếm đậu sẵn; đặc biệt là các hẻm xung quanh một số trường học (như Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Trần Quang Diệu).
Khu vực đường Huỳnh Văn Bánh, do đường nhỏ lại tập trung nhiều quán ăn nên đa số hẻm trên đoạn đường này bị các ô tô đậu trái phép chiếm hơn phân nửa bề rộng hẻm. Các hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) vốn có nhiều cửa hàng, spa, nhà thờ… Vì vậy, ngày cũng như đêm, lòng hẻm là nơi ô tô, xe máy thi nhau lấn chiếm đậu đỗ.
Tương tự, hẻm vào chùa Minh Đạo trên đường Kỳ Đồng (quận 3) tập trung khá nhiều hàng quán ăn uống, một phần diện tích hẻm được các quán này tận dụng làm bãi giữ xe máy, ô tô. Tại quận 4, các hẻm trên đường Đoàn Như Hài có nhiều hàng quán kinh doanh, buôn bán, ô tô của khách ngang nhiên đậu từng hàng dài, chiếm một nửa bề rộng con hẻm.
Nhiều con hẻm dọc theo tuyến đường Phan Văn Trị (từ quận Bình Thạnh đến quận Gò Vấp), đường Quang Trung (quận Gò Vấp) cũng bị lấn chiếm để đậu ô tô. Một số tuyến hẻm vốn đã nhỏ, nay lại bị lấn chiếm khiến lưu thông của người dân bị cản trở và mất mỹ quan đô thị.
Các chung cư, cư xá có khuôn viên công cộng trong hẻm cũng trở thành những bãi đậu xe di động vào ban đêm. Tại khu chung cư trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), chúng tôi chứng kiến ô tô đậu nối đuôi nhau từ trục đường chính vào sâu bên trong chung cư, bao vây kín công viên, dẫn đến nhiều trẻ em và người dân đi dạo mát, hóng gió gặp khó khăn. Cư xá trên đường Lý Chính Thắng (quận 3) về đêm có hàng chục ô tô đậu xếp hàng dưới lòng hẻm.
Cần có biện pháp xử phạt
Mới đây, ngày 4-1, tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội xảy ra một vụ xô xát giữa hai người hàng xóm vì tranh giành chỗ đậu ô tô trong hẻm. Thực tế, việc tranh cãi, thậm chí xô xát vì chỗ đậu ô tô trong hẻm gây mất tình làng nghĩa xóm không phải là chuyện hiếm.
Thực trạng này đang diễn ra hàng ngày tại các khu dân cư, nhất là tại các thành phố lớn. Nhiều con hẻm vốn có diện tích nhỏ, nay lại bị chiếm một phần gây cản trở lưu thông, khiến việc đi lại rất khó khăn, bất tiện; cho thấy sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng liên quan.
Chị Trần Thị Hằng (ngụ đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh) bức xúc phản ánh: “Con hẻm tôi đang ở vốn đã nhỏ, nhưng ngày nào các chủ ô tô cũng ngang nhiên đậu nhiều giờ liền, chiếm lòng đường, gây cản trở việc đi lại của người dân trong hẻm. Nhiều lần chúng tôi bức xúc, nhắc nhở chủ xe nhưng họ làm ngơ và người dân cũng không biết phản ánh sự việc này với cơ quan nào tại địa phương”.
Anh Nguyễn Văn Tứ (ngụ tại đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận) cho hay, bản thân anh đã nhiều lần xảy ra cãi vã với hàng xóm vì chuyện đậu xe trước cửa nhà, gây cản trở lối đi chung. Theo anh Tứ, nhiều người vì sợ đậu xe ngoài các trục đường lớn bị xử phạt nên đã tập trung vào các con hẻm để né tránh cơ quan chức năng.
“Cứ vào buổi chiều tối, hàng loạt ô tô cá nhân, taxi lại đậu chiếm trọn con hẻm, thậm chí chắn ngang cửa nhà dân, cản trở lối đi. Nhiều lần tôi góp ý với các chủ xe nên xảy ra xích mích, mất tình làng nghĩa xóm”, anh Tứ cho biết.
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ vẫn chưa có quy định xử phạt cụ thể về việc đậu ô tô lấn chiếm hẻm. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Nguyễn Thế Hưng, Đoàn Luật sư TPHCM, việc đậu ô tô trái quy định sẽ dễ gây mất trật tự an toàn giao thông, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
“Theo quy định hiện hành, người điều khiển ô tô không được dừng xe, đậu xe nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe”, luật sư Hưng thông tin.
Điểm e, khoản 3, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định hành vi đậu ô tô trái quy định bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Theo điểm a, khoản 7, Điều 5 Nghị định này, trường hợp đậu xe trái quy định gây tai nạn giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng. |