Xe máy chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn

Tại hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm” do Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải tổ chức ngày 4-11 tại Hà Nội, TS FangFang Luo, chuyên gia về các vấn đề pháp chế, an toàn và giao thông (Tổ chức Y tế thế giới - WHO) cho biết, mỗi năm thế giới có 1,19 triệu người chết do tai nạn giao thông, trong đó nhóm người đi xe máy chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong.

Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm” do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tổ chức ngày 4-11 tại Hà Nội
Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm” do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tổ chức ngày 4-11 tại Hà Nội

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGT), Việt Nam hiện có hơn 77 triệu xe máy, chiếm 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, tăng trung bình 10-15%/năm. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sử dụng xe máy nhiều nhất trên thế giới. Trong 10 tháng đầu năm 2024, xe máy chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đã phân tích một số bất cập liên quan đến ATGT cho xe máy tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp khắc phục. Thứ nhất là nhóm người 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50cc một cách hợp pháp, trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Bên cạnh đó, hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tiếp đến, có một số vụ tai nạn xảy ra do những vi phạm những quy tắc giao thông cơ bản, như: không nhường đường khi từ đường phụ ra đường chính, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường... Điều này cho thấy các nội dung trong đào tạo và sát hạch lái xe máy cần được tiếp tục tăng cường.

Cũng theo ông Minh, mặc dù là điểm sáng về thực thi chính sách đội nón bảo hiểm với người đi mô tô, xe máy, Việt Nam vẫn chưa có quy định xử phạt với trường hợp để trẻ dưới 6 tuổi ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội nón bảo hiểm, chưa có tiêu chuẩn nón bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi. Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể về an toàn cho trẻ em trên xe máy, dẫn tới tình trạng dùng một tay lái xe, một tay giữ trẻ...

Bên cạnh đó, mức an toàn cho xe máy ở Việt Nam được xem là còn khá thấp, chưa có đèn phía trước chiếu sáng tự động (AHO), chưa có phanh ABS hoặc phanh phối hợp Combined Brake.... Hiện xe máy chưa phải chịu kiểm định an toàn kỹ thuật dẫn tới tình trạng một số xe máy đã cũ nát vẫn lưu hành. Nhiều xe máy điện, xe điện lưu hành không đúng với thông số kỹ thuật đăng ký, như công suất lớn hơn, tốc độ lớn hơn...

Các chuyên gia tại hội thảo đều nhất trí cho rằng, với thực trạng hiện nay, các thách thức và giải pháp trong bảo đảm ATGT cho xe máy sẽ cần phải được ưu tiên trong các chương trình bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.

Bà Roxanne Paisible, Phó giám đốc vận động chính sách, Chương trình an toàn giao thông (GHAI) đánh giá cao những nỗ lực mà Việt Nam đã làm được để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông xe máy.

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, WHO luôn mong muốn được đồng hành cùng Việt Nam và các quốc gia trong việc đảm bảo ATGT đối với người đi xe máy, trong đó, đặc biệt quan tâm đến an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên xe máy. WHO cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với các cơ quan của Việt Nam trong tương lai, qua đó, hỗ trợ triển khai Luật Trật tự ATGT đường bộ và Luật Đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025.

Tin cùng chuyên mục