Xe lá chuối chở những mùa xuân tuổi thơ


Ngày tôi còn bé, trong sổ liên lạc mục nghề nghiệp của bố mẹ tôi điền vào hai chữ “làm rẫy”. Nhưng bố mẹ tôi không chỉ làm rẫy mà còn một nghề khác để mưu sinh, đó là nghề lấy lá chuối. Tôi không nhớ chính xác bố mẹ tôi bắt đầu từ khi nào, chỉ nhớ rằng từ khi có ký ức tôi đã thấy bố mẹ mình nhọc nhằn mưu sinh với nghề lấy lá chuối. Tết về là những ngày bố mẹ bận rộn, vất vả nhất. Tôi luôn mơ về một cái tết bố mẹ... thảnh thơi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Hồi ấy, bố mẹ tôi thường đi lấy lá chuối rừng. Lá chuối rừng tự nhiên là loại lá, theo lời bố tôi, là loại đẹp nhất, dẻo dai không bị chát và có giá nhất. Để lấy được những tàu lá chuối chất lượng, tán rộng, màu xanh tươi, không bị rách, bố mẹ tôi phải đi vào rừng sâu. Những quả đồi cheo leo, những khe núi hiểm trở chẳng nơi nào không in dấu chân bố mẹ tôi. Hành trang đi lấy lá chuối của bố tôi là cái liềm, con dao quắm và mấy cái bao. Đường vào rừng lấy lá đôi khi là lối mòn, thậm chí có nơi chẳng có đường, dây leo chằng chịt, đi tới đâu phát đường tới đó. Muỗi vây quanh, sên vắt nhiều vô kể. Nhiều bữa, về tới tận nhà thay đồ bố mẹ tôi mới thấy vắt đeo lủng lẳng trên người.

Lá chuối trên cao được đốn xuống khéo léo để hạn chế lá bị rách. Bố tôi đốn cây lấy lá, mẹ tôi thoăn thoắt rọc tàu lá ở giữa rồi xếp ngay ngắn lá chuối thành từng xấp bỏ vào bao. Lấy được lá chuối đã khó, vận chuyển những bao lá chuối ra khỏi rừng còn khó hơn. Bố mẹ tôi nhọc nhằn vác những bao lá chuối ba bốn mươi cân bang dọc ngang qua khe núi, ngọn đồi đem về bán.

Bố tôi có một chiếc xe thồ chuyên để chở lá chuối đi bán. Trong trí nhớ của tôi, nó là một chiếc xe đạp giống thời chiến tranh. Xe không có bàn đạp, có một cây cọc ở giữa để có thể cầm chắc. Mỗi ngày tầm ba bốn giờ sáng bố tôi chất đầy những bao lá chuối hai bên xe đẩy ra chợ kịp bỏ mối. Chặng đường từ nhà tôi ra tới chợ mười mấy ki-lô-mét chập chùng những con dốc. Chỉ đi bộ qua chừng ấy ki-lô-mét cũng đủ mệt huống hồ đẩy thêm xe lá chuối cả mấy trăm ký, tôi luôn tự hỏi liệu có phải bố tôi là siêu nhân? Có lẽ vì mưu sinh, vì tương lai của những đứa con mà bố tôi chưa bao giờ thôi cố gắng.

Những ngày giáp tết là những ngày cao điểm cần nhiều lá chuối nên bố mẹ tôi càng bận rộn hơn. Người ta xúng xính đi mua sắm tết, trang hoàng nhà cửa còn bố mẹ tôi vất vả những nẻo đường ngược xuôi cho kịp hàng cho mối. Cao nguyên mùa tết nắng nhạt màu hanh hao, sương sớm lạnh buốt đôi bàn tay. Bố tôi vẫn cần mẫn ngày hai buổi, buổi đi lấy lá chuối trong rừng sâu, buổi đẩy xe ra chợ bỏ mối. Rong ruổi khắp núi rừng, lấy công làm lời, bố mẹ tôi tất bật để kịp giao hàng mỗi sớm mai. Những xấp lá chuối đồng hành cùng bố mẹ tôi trên khắp nẻo đường mưu sinh, nhờ nó mà chúng tôi có tiền ăn học, lớn khôn nên người.

Tôi quên sao được mùi lá chuối ngai ngái giấc nồng mỗi sớm mai, bố tôi đã một đời vất vả, chẳng nề hà nắng mưa, sương gió. Chiếc áo sờn vai màu áo lính lúc nào cũng lấm lem nhựa lá chuối, lấm tấm giọt mồ hôi.

Tôi quên sao được bộ đồ tết sặc sỡ, rộn ràng sắc xuân bố đem về sau buổi giao lá chuối cuối năm. Những bộ đồ mới tươm tất thơm mùi tết của anh em tôi đổi từ những giọt mồ hôi, những bước chân không mỏi mệt của bố.

Tôi quên sao được nồi bánh chưng sôi lục bục ngày ba mươi, bữa cơm ngày cuối năm đủ đầy chắt chiu từ những đồng bạc lẻ của nhọc nhằn. Bố tôi cười hiền nhìn bầy con thơ hạnh phúc trong bữa cơm đoàn viên ấm áp.

Nay, bố mẹ tôi đã thôi không còn đi lấy lá chuối vì tuổi cao. Chiếc xe thồ chở lá nằm chỏng chơ nơi góc nhà. Những chuyến xe lá chuối sớm tinh mơ trôi vào ký ức. Như ước nguyện hồi bé, bố mẹ tôi đã có cái tết thảnh thơi, không còn vất vả xuôi ngược lấy lá chuối. Tết về, ngồi quây quần gói bánh chưng nghe bố kể chuyện xưa, tôi nghe lòng mình mênh mang nỗi nhớ, nghe khóe mắt cay xè. Cảm ơn những chuyến xe lá chuối nhọc nhằn chở mùa xuân tuổi thơ tôi!

NGUYỄN THỊ THU AN

Nhà Bè, TPHCM

Tin cùng chuyên mục