Đủ chiêu… trốn
Khoảng 8 giờ sáng ngày 26-10, BXMĐ cũ không còn nhộn nhịp như trước, lượng xe khách ra vào bến ít hẳn. Trong khi đó, ghi nhận tại các bãi xe 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) gần đó, có nhiều xe khách dán thông tin đi các bến xe liên tỉnh như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... đậu bên trong.
Trên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ nút giao Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn), nhiều xe khách ngang nhiên dừng đón, trả khách. Một bác xe ôm đậu khu vực này cho hay, từ khi xe khách chạy tuyến miền Trung di dời ra khu vực BXMĐ mới thì đoạn đường này có thêm rất nhiều xe khách đi ngang để rước khách. Cây xăng Comeco - được xem như “bến cóc” từ hàng chục năm nay trên đường Điện Biên Phủ, cũng có rất nhiều xe vào rước khách. Thậm chí, nhiều xe chỉ vào đây rước khách chứ không đổ nhiên liệu.
Quan sát một lúc, phóng viên chứng kiến xe khách 29 chỗ với thương hiệu N.M biển số 86F-001xx chạy vào cây xăng đón hành khách rồi nhanh chóng “phóng” đi. Một xe khách biển kiểm soát tỉnh Đồng Nai với thương hiệu P.L cũng ngụy trang đổ dầu nhưng thực tế là cho khách lên xe. Tiếp đó, một xe khách hơn 45 chỗ mang tên H.Lợi cũng chạy vào đổ dầu để rước khách…Đường Điện Biên Phủ cấm xe khách trên 9 chỗ đậu, nhưng theo ghi nhận, có nhiều xe khách chạy tuyến Đồng Nai như C.Phương, C.Thủy; xe khách đi Vũng Tàu như H.Mai, T.Thắng, H.Hoàng… vẫn cố tình đậu lại để rước khách.
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp vận tải trước khi phải di dời ra BXMĐ mới đã chủ động đăng ký thay đổi lộ trình để được tiếp tục hoạt động tại BXMĐ cũ; thay vì theo tuyến quốc lộ 1A đổi lộ trình tuyến sang quốc lộ 14 (Samco quy định xe đi trên lộ trình quốc lộ 14 được hoạt động ở BXMĐ cũ). Từ nhiều năm nay, một số đơn vị vận tải chạy trên tuyến TPHCM đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… vừa đăng ký hoạt động tại BXMĐ cũ vừa tại BX Miền Tây, An Sương. Tuy nhiên, từ ngày phải di dời ra BXMĐ mới, thống kê của Samco cho thấy, doanh nghiệp không di dời ra đây... Như vậy liệu có khả năng tăng chuyến ở các bến xe này để “bù” vào việc “nghỉ” chạy ở BXMĐ mới?
Khó xử lý?
Trong ngày 26-10, Thanh tra Sở GTVT đã xử phạt một xe khách của hãng Ngọc Lợi chạy sai lộ trình. Theo phù hiệu được cấp, xe này chỉ chạy đến BXMĐ mới nhưng lại chạy vào trong trung tâm TPHCM. Hiện trên đường Điện Biên Phủ có 7 doanh nghiệp vận tải đã được Sở KH-ĐT TPHCM cấp phép địa điểm kinh doanh, gồm Phương Trang, Phi Long, Võ Cúc Phương, Cường Thủy, Hoa Mai, Toàn Thắng, Thành Bưởi, Kim Mạnh Hùng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các doanh nghiệp trên không có bến bãi để đón, trả khách tại các địa chỉ trên nên thường xuyên vi phạm trong việc dừng, đậu xe đón khách. Trước đó, trong ngày 25-10, lực lượng CSGT TPHCM đã xử phạt 9 xe khách hoạt động sai quy định tại khu vực đường Điện Biên Phủ. CSGT đã kiến nghị Sở KH-ĐT TPHCM kiểm tra, rút giấy phép kinh doanh đối với các trạm trung chuyển nếu không đủ điều kiện về bến bãi đối với các doanh nghiệp này.
Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, trong tháng 10, thanh tra sở đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý xe chạy sai lộ trình tại khu vực xung quanh các bến xe, Khu du lịch Suối Tiên, các tuyến quốc lộ… Kết quả, đã tiến hành lập biên bản 143 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hơn 256 triệu đồng. Đặc biệt, thanh tra đã xử phạt các phương tiện dừng đậu, đón trả hành khách sai quy định bằng hệ thống camera cố định với 533 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hơn 613 triệu đồng.
Để lập lại trật tự an toàn giao thông cũng như đưa hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các sở, ban ngành. Từ năm 2016, UBND TPHCM đã có nhiều văn bản giao trách nhiệm này cho chủ tịch UBND các quận, huyện. Tuy nhiên, tình trạng “bến cóc, xe dù” vẫn diễn biến phức tạp. Hiện Sở GTVT TPHCM đang kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, có giải pháp kỹ thuật, nâng cấp hệ thống xử lý, khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để có cơ sở cho lực lượng chức năng xử lý các hành vi gian lận trong vận tải hành khách.
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM đánh giá, không có việc các chuyến xe “mất tích” mà có thể là doanh nghiệp chuyển sang tỉnh khác hoạt động hoặc tạm thời ngưng hoạt động để nâng cấp chất lượng dịch vụ, xin chuyển sang chạy hợp đồng... Hiện sở đang xác minh việc “mất tích” của khoảng 300 chuyến xe này bởi trên mỗi lộ trình vận tải đều có quy định cụ thể số chuyến, nên không thể có việc doanh nghiệp tự ý đổi lộ trình được. |