Ngày 3-11, Sở GTVT TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ trao đổi với các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Vận tải Kumho Samco Buslines cho biết, sau khi TPHCM cấm xe khách giường nằm vào trung tâm thành phố từ 6 – 22 giờ đã có hiệu quả; một số doanh nghiệp vận tải đã ra bến. Ở chiều ngược lại, nhiều xe khách từ các tỉnh xuất phát vào buổi tối nên cố chạy nhanh, vượt quá tốc độ để vào trung tâm TPHCM trước 6 giờ và còn kịp thời quay đầu ra ngoài vành đai cấm nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, công ty đề xuất cấm xe khách giường nằm vào trung tâm thành phố 24/24.
Nhiều doanh nghiệp vận tải tham dự hội nghị |
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) có sản lượng hành khách thấp do quá xa trung tâm. Cùng với đó, các xe khách chạy hợp đồng trá hình tuyến cố định vẫn còn rất nhiều do hoạt động trong trung tâm, dễ đi lại thuận tiện cho hành khách. Các xe trong bến phải đóng 10% thuế giá trị gia tăng. Đối với các xe khách chạy hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định công khai bán vé nhưng không đóng thuế, gây không bình đẳng với xe hoạt động trong bến. Nhiều năm, “xe dù, bến cóc” chỉ phạt tiền, rút phù hiệu nên vẫn chưa có hình thức răn đe. Nhà nước mời các doanh nghiệp vận tải chạy hợp đồng lên ký cam kết không đón trả khách sai quy định, đúng loại hình. Song song đó, nhà nước cần chế tài mạnh với hoạt động trốn thuế của xe khách chạy hợp đồng trá hình tuyến cố định, có thể chuyển qua cơ quan công an để khởi tố.
Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) đề nghị, TPHCM hạn chế xe khách giường nằm vào trung tâm TPHCM 24/24 giờ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, sở xử lý nghiêm Công ty TNHH Thành Bưởi để cảnh tỉnh các doanh nghiệp vận tải sẽ thay đổi trong hoạt động, tránh gây tai nạn thảm khốc, đặt an toàn cho hành khách lên hàng đầu. UBND TPHCM cũng có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan để thiết lập lại trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam cũng kiểm tra sở và hoạt động các bến xe. “Xe dù, bến cóc” chưa xử lý triệt để là do đang thiếu công cụ, cần bổ sung một số chế tài để xử lý nghiêm.