Ngoài số xe cứu thương của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM và các bệnh viện tỉnh, nay còn có thêm phòng khám tư nhân cũng có xe cứu thương, nên số lượng xe cứu thương chạy trên đường rất nhiều. Điều đáng trách là nhiều khi xe cứu thương rú còi nhưng không phải đang trên đường chở bệnh nhân đi cấp cứu, mà chỉ là để ưu tiên phóng nhanh trên đường.
Hoạt động xe đi đón và đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu là cần thiết để kịp thời cứu chữa, bảo vệ tính mạng con người. Luật Giao thông đường bộ quy định xe đi làm nhiệm vụ cứu thương được xếp vào diện có quyền ưu tiên, được sử dụng còi hú để được nhường đường, được chạy vào đường cấm.
Tuy nhiên, nhiều xe cứu thương đã lạm dụng quyền ưu tiên khi không có điều lệnh đi cứu người nhưng vẫn liên tục rú còi, phóng với tốc độ cao, lấn làn đường, vượt đèn đỏ, chèn ép các phương tiện giao thông khác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Đặc biệt, do xe cứu thương là phương tiện hoạt động đặc thù nên cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông không kiểm tra, không dễ biết có thực sự đang làm nhiệm vụ cấp cứu hay không.
Đã có nhiều trường hợp xe cứu thương rú còi phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông. Do vậy, cần tổ chức quản lý hoạt động của các xe cứu thương, chọn kỹ tài xế xe cứu thương là những người lái xe giỏi, nhiều kinh nghiệm và cẩn trọng, có ý thức không lạm dụng quyền ưu tiên khi không có tình huống cấp cứu.