Theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, có còi và đèn hiệu, được phép đi ngược chiều hoặc đi bất kỳ đường nào có thể đi được. Ngoài ra, các phương tiện khác cần phải nhanh chóng giảm tốc, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Tuy nhiên, xét theo thực tế, các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc với tốc độ cao (tối thiểu 60km/giờ), tài xế cần một thời gian nhất định để nghe tiếng còi và thấy vật cản trước mắt, thêm thời gian để phản ứng (thắng xe khẩn cấp) và cần thời gian để xe có thể dừng lại hoàn toàn.
Theo clip ghi lại vụ tai nạn giao thông này, tuy có hú còi và có đèn hiệu, nhưng khi đi từ đường nhánh vào đường cao tốc, xe chữa cháy đã không dừng lại để xin đường mà liên tục di chuyển. Điều này có thể khiến tài xế xe khách không kịp thắng khẩn cấp và đã đâm vào xe chữa cháy.
Về trách nhiệm của tài xế xe khách, chúng ta cần xem xét tốc độ của xe khách tại thời điểm đó cũng như liên hệ với các hành vi của xe chữa cháy như đã phân tích. Tốc độ của xe khách có vượt quá tốc độ tối đa cho phép hay không? Xe khách có tuân thủ đúng quy định pháp luật về khoảng cách giữ an toàn hay không?
Theo Thông tư 91/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ, thì khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc theo quy định như sau: với tốc độ lưu hành 60km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m; 80km/giờ - 55m; 100km/giờ - 70m; 120km/giờ - 100m.
Ngoài ra, để đưa ra kết luận xác đáng, các cơ quan chức năng điều tra cũng cần thực nghiệm hiện trường với giả định là nếu tài xế tuân thủ hoàn toàn các quy định về khoảng cách và tốc độ, với tình hình thời tiết như vậy, nếu chú ý quan sát, tài xế có thể kịp thời xử lý để tránh va chạm trong trường hợp xe chữa cháy đã hú còi và có đèn hiệu, nhập làn và đi ngược chiều với tốc độ thực tế lúc xảy ra tai nạn hay không? Chỉ khi điều tra và thực nghiệm tất cả các yếu tố chủ quan và khách quan đó, mới có thể kết luận được về lỗi và trách nhiệm của tài xế xe khách.
Nhìn từ thực tiễn, pháp luật Việt Nam về giao thông đường bộ cần có những quy định rõ ràng hơn đối với vấn đề nhường đường cho các xe ưu tiên, đặc biệt trong các tình huống trên đường cao tốc, nơi mà chỉ cần nhanh hay chậm vài giây cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, pháp luật cần quy định về thời gian tối thiểu mà bất kể phương tiện nào nhập làn cũng phải dừng quan sát, hay thời gian tối thiểu để các xe ưu tiên dừng quan sát nếu nhập làn ngược chiều để đảm bảo các phương tiện giao thông có thể xử lý kịp thời khi nghe tiếng còi hụ và nhìn thấy đèn báo hiệu.
Ngoài ra, việc quy định trường hợp nào các phương tiện cần tránh và giảm tốc độ, trường hợp nào các phương tiện cần dừng lại bên lề đường phải cũng cần quy định rõ ràng cùng thực hiện chế tài phạt chặt chẽ. Bởi lẽ, trong vụ tai nạn vừa qua, rõ ràng xe khách cần phải giảm tốc và dừng hẳn lại ở một khoảng cách xa (đủ để các xe phía sau kịp quan sát và dừng lại), không thể dừng về phía làn bên phải (đột ngột chuyển làn có thể gây tai nạn liên hoàn), hoặc giảm tốc độ và tránh (vì xe chữa cháy có xu hướng đi ngược chiều vào làn trong cùng bên trái, còn xe khách đang đi làn giữa).
Tóm lại, pháp luật cần có các quy định rõ ràng trong các trường hợp ưu tiên như vậy, vì suy cho cùng, quy định pháp luật được ban hành là để ngăn ngừa, bảo vệ an toàn cho tất cả người tham gia giao thông, không phải để quy trách nhiệm trong trường hợp tai nạn xảy ra.
Ngoài ra, vụ tai nạn vừa qua chính là sự cảnh tỉnh về ý thức cho rất nhiều tài xế Việt Nam, người tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, đồng thời luôn tỉnh táo, quan sát rộng để có thể kịp thời xử lý, bảo vệ tính mạng người xung quanh cũng như của chính bản thân mình.