Xe cà tàng chở hàng “siêu trọng”

Thời gian gần đây, trên đường phố TPHCM xuất hiện nhiều xe máy cũ kỹ, thời hạn sử dụng đã 35-40 năm, không còn đảm bảo an toàn, được các chủ cửa hàng nước đá, đại lý gas, vựa phế liệu, vựa trái cây… mua về, gắn thêm phần khung thồ hàng, rồi giao cho người làm công sử dụng để vận chuyển hàng cồng kềnh. Các xe này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn đe dọa an toàn giao thông.
Xe cà tàng chở hàng “siêu trọng”

Thời gian gần đây, trên đường phố TPHCM xuất hiện nhiều xe máy cũ kỹ, thời hạn sử dụng đã 35-40 năm, không còn đảm bảo an toàn, được các chủ cửa hàng nước đá, đại lý gas, vựa phế liệu, vựa trái cây… mua về, gắn thêm phần khung thồ hàng, rồi giao cho người làm công sử dụng để vận chuyển hàng cồng kềnh. Các xe này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn đe dọa an toàn giao thông.

  • Thót tim với “xe mù”

Các xe thồ hàng này thường là Honda 67, Honda Dame, Cup 50..., không đèn, không biển số, không kính chiếu hậu…, được người ta gọi chung là “xe mù” vì tham gia giao thông trong tình trạng không còn đảm bảo an toàn. Chiều tối 23-4, một xe máy Honda 67 cũ kỹ, không biển số, kéo theo phía sau đuôi một rơ-moóc 2 bánh tự chế chở nhiều cuộn sắt dài khoảng 5m, lưu thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh). Khi đến nút giao Ung Văn Khiêm, chốt đèn tín hiệu báo đèn đỏ, người điều khiển xe thắng gấp khiến phần nối với rơ-moóc tự chế bị gãy lìa. Sự cố khiến ngã tư này bị kẹt xe trầm trọng.

Những xe máy cũ kỹ được tận dụng để thồ hàng thường không đảm bảo an toàn.

Những xe máy cũ kỹ được tận dụng để thồ hàng thường không đảm bảo an toàn.

Mới đây, nhiều người lưu thông xuống dốc cầu Chà Và (quận 8) “thót tim” khi thấy một thanh niên điều khiển chiếc xe Honda Cup 78 cũ nát, không đèn, biển số phai mờ, chở thùng hàng cao khoảng 2m vẫn lao vun vút. Chiếc xe này chạy tới đâu cũng đều làm người đi đường hốt hoảng do tiếng động cơ phát ra như pháo nổ. Chạy đến nút giao giữa đường Phạm Hùng và đại lộ Nguyễn Văn Linh thì thùng hàng phía sau xe bị nghiêng đổ, va quẹt làm một phụ nữ đang lưu thông bên cạnh bị ngã xe.

Hàng ngày trên nhiều tuyến đường như: Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng, Đỗ Ngọc Thạnh (quận 5), Hồ Thị Kỷ (quận 10), Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh)… thường xuyên có nhiều xe máy cũ kỹ như vậy chở hàng quá tải, quá khổ lưu thông trên đường. Những chiếc xe cũ nát này được các chủ xe mua với giá rất rẻ, chỉ từ 500.000-700.000 đồng, vì xe chỉ còn phần chính là khung sườn và động cơ, sau đó đưa ra tiệm sửa xe đôn dên, xoáy nòng để tăng tỷ số nén buồng đốt nhằm chịu tải lớn hơn và gắn thêm rơ-moóc để chở hàng. Hầu hết, những xe máy cũ kỹ không có giấy tờ, xe lại quá nát nên các chủ xe cứ nhởn nhơ sử dụng, nếu bị tịch thu thì không phải tiếc.

  • Hậu quả khó lường

Những xe máy cũ kỹ được tận dụng để thồ hàng thường không đảm bảo an toàn, vì vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, lưu thông ở các khu đông dân cư nhưng chạy ẩu, lạng lách, lấn tuyến, không chấp hành các quy định về giao thông đường bộ. Theo một thợ sửa xe tên Thanh - ở đường Hưng Phú, quận 8, cho biết đa phần xe mang đến tiệm đã nát gần hết, nên chủ xe muốn độ lại máy để kéo hàng được tốt hơn. Những chiếc xe được đôn lên tuy mạnh nhưng rất nguy hiểm vì sai kết cấu máy, dễ làm gãy khung sườn, gãy cổ xe khi thắng gấp hay đi qua ổ gà… gây nguy hiểm cho chính người lái xe và nhiều người khác.

Lâu nay CSGT không xử phạt được các trường hợp xe máy không đảm bảo an toàn giao thông được tận dụng để thồ hàng, vì chủ phương tiện thường “bỏ của chạy lấy người”. Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu tự ý thay đổi các bộ phận của xe máy chuyên dùng. Do số tiền phạt cao, giá trị xe lại chẳng bao nhiêu, nên khi vi phạm các chủ sở hữu xe cứ bỏ luôn xe, rồi mua xe khác. Mới đây, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành liên quan và UBND các quận - huyện phối hợp kiểm tra, đình chỉ lưu thông các loại xe thô sơ, tự chế. Thiết nghĩ nhân đợt kiểm tra này, cũng cần kiên quyết đình chỉ việc tận dụng xe máy không đảm bảo an toàn giao thông để thồ hàng.

ANH TUẤN

Khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ quy định:

Xe máy muốn tham gia giao thông phải đảm bảo các điều kiện: có đủ hệ thống phanh hãm, đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn tín hiệu... Do vậy, nếu xác định được chủ cửa hàng đã giao xe cũ nát không đảm bảo chất lượng cho người làm công đi chở hàng quá tải trọng, khiến gây ra tai nạn thì hành vi giao xe, giao việc đó là vi phạm pháp luật. Trường hợp này cần phải điều tra, xem xét trách nhiệm của người đã giao xe, giao việc cho nhân viên giao hàng. Tùy theo tính chất vi phạm, ý thức chủ quan của người giao xe cho nhân viên mà có thể xử lý hành chính, quy buộc trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại).

Ngoài ra theo quy định tại điều 204 Bộ luật Hình sự, người đưa xe máy không đủ điều kiện chất lượng để tham gia giao thông gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn”.

Tin cùng chuyên mục