Không chỉ gây ấn tượng bởi sự sạch sẽ, lại được khử mùi kỹ lưỡng, không gian bên trong xe buýt cũng được trang trí bắt mắt. Rất nhiều những giỏ hoa, chậu hoa đầy màu sắc, thảm cỏ xanh được khéo léo đặt để từ khu vực buồng lái của tài xế cho đến hai bên thành xe, cửa lên xuống và thậm chí ở cả khu vực để thùng rác.
Các tiểu cảnh trang trí còn có thêm những bức tượng nhỏ các chú tiểu ngộ nghĩnh hay các món đồ lưu niệm có hình ảnh các khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Sự thay đổi này dù không quá lớn nhưng đã góp phần tạo điểm nhấn riêng, khiến không gian của tuyến xe buýt trở nên mới lạ, đẹp mắt hơn đối với các hành khách.
“Là người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt 03 đi làm nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy tuyến này xe được trang trí khác biệt hẳn. Nó tạo cho tôi cảm giác vui mắt và dễ chịu”, anh Minh Khang (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ cảm xúc.
Anh Khang cũng bày tỏ, nếu các tuyến xe buýt đều có những thay đổi nhất định về diện mạo, không gian sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi hôi, tiếp viên và tài xế có thái độ phục vụ niềm nở, nhiệt tình chắc chắn sẽ tạo được ấn tượng tốt. Từ đó, sẽ có nhiều người lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển từ đi làm, đi học cho đến đi chơi.
Thời gian gần đây, có nhiều câu chuyện đẹp liên quan đến việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng này. Đó là hành động một nhân viên xe buýt ở Hà Nội đã trả lại 21 triệu đồng cùng nhiều vật phẩm có giá trị khác trong túi bị hành khách bỏ quên trên xe.
Hay một tài xế xe buýt ở TPHCM trước khi ngất do đột quỵ đã gắng sức cho xe dừng để đảm bảo an toàn cho hành khách và người đi đường. Những hành động này đều nhận được rất nhiều lời khen ngợi khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội.
Để văn hóa đi xe buýt nói riêng và các phương tiện công cộng nói chung ngày càng thay đổi theo hướng tích cực, cần sự chung tay của cả hai phía: tài xế, phụ xe và chính những hành khách. Trong thời gian qua, không ít hành khách đã bày tỏ sự bức xúc trước thái độ phục vụ chưa đúng mực của một số nhân viên xe buýt như hay cáu gắt, thiếu niềm nở, hút thuốc, ăn uống, sử dụng điện thoại khi đang làm việc, thậm chí mắng chửi khách… Về phía hành khách cũng không ít lần xuất hiện những hành vi chưa phù hợp như gây ồn ào, xả rác bừa bãi, chen lấn hoặc có những hành vi phá hoại tài sản công cộng.
Việc xây dựng văn hóa đi xe buýt văn minh càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi cuối tháng 12 này, tuyến metro đầu tiên tại TPHCM sẽ chính thức đi vào hoạt động. Việc hình thành văn hóa ứng xử văn minh trong cộng đồng là yếu tố quyết định đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của người dân. Rõ ràng, một hệ thống giao thông hiện đại cần song hành với ý thức và hành vi văn minh của mỗi người.