Xe buýt giảm sức hút

Hành khách đi xe buýt liên tục giảm trong những tháng gần đây. Nguyên nhân không phải nhu cầu đi lại giảm mà vì bị phân tán sang các loại hình vận tải khác...

Phân tán thị phần

Chỉ cần vài động tác đơn giản trên chiếc điện thoại di động thông minh, vốn đã phổ biến, giờ đây ai cũng có thể gọi xe công nghệ (xe 2 bánh và 4 bánh) nhanh chóng, dễ dàng. Không những thế, ưu điểm của xe công nghệ là khách được đón tận nơi và đưa đến tận nhà, đặc thù mà xe buýt không thể đáp ứng được. Nói cách khác, những thế mạnh của xe ôm công nghệ lại chính là điểm yếu của xe buýt truyền thống. Khi đã đồng ý luận điểm này, không có gì lạ khi ngành vận tải TPHCM xác định xe công nghệ bùng nổ thời gian qua chính là một trong những lý do khiến hành khách đi xe buýt truyền thống liên tục giảm từ đầu năm đến nay.

Xe buýt giảm sức hút ảnh 1 Xe buýt tại bến xe buýt quận 8, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Số liệu thống kê từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) cho thấy trong 6 tháng đầu năm, khối lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên đường bộ bằng xe buýt có trợ giá chỉ đạt gần 89 triệu lượt hành khách, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 39,6% kế hoạch cả năm 2019. Đến hết tháng 7, con số này đạt 139,3 triệu lượt, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2018. Sang cuối tháng 8, ước đạt 161,5 triệu lượt hành khách, giảm 11,4% so với cùng kỳ.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm hành khách trên các tuyến xe buýt có trợ giá. Một trong những nguyên nhân là từ đầu năm 2019 đến nay số tuyến xe buýt có trợ giá đã giảm 5 tuyến. Cụ thể là các tuyến xe buýt Cảng quận 4 - Nhơn Đức, mã số tuyến 37; Bến xe miền Đông - Ngã tư Ga, mã số 40; Bến xe An Sương - Lê Minh Xuân, mã số 60; Bến xe miền Đông - KCN Tân Bình, mã số 95 và tuyến buýt mã số 149 Công viên 23/9 - Cư xá Nhiêu Lộc. Đi kèm với 5 tuyến cắt giảm này là số lượng hành khách giảm 1,25 triệu lượt, tương đương mức giảm 1,3%.

Một lý do khác là có một số tuyến xe buýt phương tiện hoạt động cũ, không đảm bảo số chuyến hoạt động theo kế hoạch, tiêu biểu như các tuyến Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe miền Tây, mã số 02; tuyến Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm, mã số 06; tuyến Bến xe buýt Chợ Lớn - Bình Chánh - Hưng Long, mã số 09… Tính ra có 18 tuyến buýt rơi vào diện này và đã kéo giảm khoảng 3 triệu lượt hành khách.

Như đã nói ở trên, sự phát triển của dịch vụ gọi xe công nghệ đã phần nào cạnh tranh với xe buýt truyền thống. Trên thực tế, lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ đang chứng kiến nhiều doanh nghiệp tham gia dịch vụ xe công nghệ, cũng như loại hình này liên tục đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, từ đó tác động đến số lượng hành khách đi xe buýt.

Số phương tiện giao thông cá nhân tăng cao và tăng liên tục qua từng năm cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm lượng hành khách đi xe buýt. Bởi khi phương tiện giao thông cá nhân bùng nổ, dẫn đến ùn ứ giao thông diễn ra thường xuyên và điều này khiến không ít xe buýt không thể đảm bảo thời gian hành trình. Hệ quả của việc thường xuyên kéo dài thời gian hành trình khiến nhiều hành khách, đặc biệt đối tượng sinh viên, học sinh đã chuyển sang đi bằng phương tiện giao thông cá nhân.

Ý tưởng khó thực hiện

Một cách khách quan, địa hạt xe buýt thành phố vẫn đang hoạt động trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động VTHKCC. Bến bãi, điểm đầu cuối tuyến cho xe buýt là ví dụ. Toàn địa bàn thành phố hiện có 2.322 phương tiện tham gia hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, nhưng chỉ có 83 vị trí điểm đầu, điểm cuối của các tuyến xe buýt. Giám đốc Trần Chí Trung cho hay, trong số 83 vị trí này chỉ có 23 vị trí mang tính ổn định lâu dài, 7 vị trí có hợp đồng thỏa thuận với địa phương/người dân bố trí đất làm bến bãi lưu đậu, 39 vị trí là diện sử dụng tạm lòng lề đường để bố trí xe buýt lưu đậu và 3 vị trí nằm ngoài địa giới thành phố. Việc lưu đậu quá nhiều trên lòng lề đường, ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại và mỹ quan đô thị. Biết vậy, nhưng tìm được “nhà” cho xe buýt lưu đậu ổn định lại không dễ dàng.

Bên cạnh 2 yếu tố “giá vé rẻ” và “luồng tuyến phủ khắp, thuận tiện” thì việc “đảm bảo thời gian hành trình” cũng là thông số mang tính quyết định sự sinh tồn của hoạt động VTHKCC bằng xe buýt. Nói đơn giản hơn, nếu xe buýt đảm bảo được thời gian hành trình thì mới mong thu hút được người dân lựa chọn. Thế nhưng, đây lại là yêu cầu bất khả thi với xe buýt, ít nhất trong hiện tại và tương lai trước mắt. 

Một trong những giải pháp giúp đảm bảo thời gian hành trình được ngành giao thông thành phố tính đến, đó là mở làn đường ưu tiên cho xe buýt. Tuy nhiên, trong bối cảnh “đất chật, người đông” như hiện nay, không phải là chuyện đơn giản. Điều này đã giải thích vì sao ý tưởng dành làn đường ưu tiên cho xe buýt, dù được tính đến suốt mấy năm qua, nhưng đến bây giờ vẫn chưa triển khai được. Ngoài ra, ý tưởng thí điểm tổ chức 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt, một làn trên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn) và một làn trên đường Võ Thị Sáu (đoạn từ vòng xoay Công trường Dân Chủ đến đường Đinh Tiên Hoàng) vẫn chưa rõ bao giờ thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục