Xe buýt, bãi giữ xe sẵn sàng đón khách metro

Cho đến lúc này, có thể nói hệ thống xe buýt TPHCM đã hoàn tất các bước chuẩn bị, sẵn sàng để nối kết hoạt động với tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1), phục vụ việc đi lại cho người dân.

Bãi đậu xe tại ga Thảo Điền đang được khẩn trương hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Hùng
Bãi đậu xe tại ga Thảo Điền đang được khẩn trương hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Hùng

Bãi đậu xe có sẵn

Theo lịch trình, vào ngày 22-12, Metro số 1 được đưa vào khai thác thương mại. Người dân thành phố đang mong chờ trải nghiệm phương tiện giao thông công cộng hiện đại, đầu tiên này.

Tuyến Metro số 1 dài 19,7km, bắt đầu từ ga Bến Thành (quận 1) và kết thúc tại ga Suối Tiên (TP Thủ Đức), có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Ga ngầm Bến Thành nằm ở vị trí trung tâm thành phố, sẽ đón lượng lớn hành khách nên việc kết nối và bố trí giữ xe cá nhân rất được quan tâm. Theo ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, hiện nay xung quanh ga Bến Thành có sẵn các tuyến buýt hoạt động để người dân di chuyển đến ga và cũng có sẵn các điểm giữ xe cá nhân để hành khách lựa chọn bãi đậu xe.

Khảo sát thực tế, ngay tại Công viên 23-9 có hầm giữ xe hoạt động 24/24, cách ga metro Bến Thành khoảng 200m, phí giữ xe tính theo giờ. Ban ngày từ 6 giờ đến 21 giờ 59 phút đối với xe máy, xe máy điện có giá 8.000 đồng/3 giờ đầu tiên, các giờ tiếp theo thêm 1.000 đồng/giờ. Đối với ô tô, phí giữ 3 giờ đầu là 50.000 đồng, các giờ tiếp theo thêm 20.000 đồng/giờ.

Như vậy, nếu hành khách gửi xe máy tại hầm, sau đó sử dụng Metro số 1 để đi làm 8 giờ/ngày thì phí giữ xe khoảng 13.000 đồng/ngày... Phí gửi xe ban đêm, từ 22 giờ đến 5 giờ 59 phút sẽ cao hơn. Cụ thể, xe máy, xe máy điện có giá 10.000 đồng/3 giờ đầu tiên, các giờ tiếp theo thêm 1.000 đồng/giờ; đối với ô tô là 100.000 đồng/ 3 giờ đầu, các giờ tiếp theo thêm 20.000 đồng/giờ.

Hiện tại, ở các nhà ga Thảo Điền, Văn Thánh, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, công tác xây dựng bãi đậu xe cá nhân đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Việc xây dựng bãi giữ xe sẽ giúp người dân kết hợp sử dụng phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng một cách linh động, phù hợp với lịch trình của bản thân. Các hạng mục như sơn nước nhà điều hành, lắp đặt thiết bị điện, thiết bị vệ sinh, vách ngăn… đang được gấp rút hoàn thành.

Khu vực ga Văn Thánh đang hoàn thiện bãi đậu xe cá nhân khoảng 770m2 dưới gầm cầu vượt bên cạnh khu vực đón/trả khách dành cho xe buýt, taxi. Tại ga Thảo Điền, bãi đậu xe với diện tích 1.000m2 nằm trên xa lộ Hà Nội đã được lợp mái, công tác xây dựng gần xong. Tiếp nối là bãi đậu xe của ga Rạch Chiếc có diện tích 1.500m2 ngay dưới chân cầu bộ hành cũng chuẩn bị được lợp mái che. Bãi đậu xe ga Phước Long và Bình Thái có diện tích 1.000m2 đang được khẩn trương làm những công việc cuối cùng.

Ngoài việc đầu tư bến bãi tiếp chuyển cho xe buýt và bãi giữ xe cá nhân cho hành khách tại 5 nhà ga nói trên với tổng diện tích gần 5.500m2, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng còn lắp đặt mới 23 nhà chờ kết nối với các nhà ga dọc trục đường Võ Nguyên Giáp - xa lộ Hà Nội, 230 điểm dừng xe buýt cho các tuyến mở mới.

Điều chỉnh, mở thêm tuyến buýt mới

Thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã triển khai dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên”. Mục tiêu là điều chỉnh mạng lưới các tuyến xe buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội, tức là dọc theo phần lớn hành trình của tuyến Metro số 1. Qua đó kết nối hai loại hình vận tải hành khách công cộng này, phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới tuyến xe buýt phân cấp cho TPHCM, phát huy hiệu quả khai thác của tuyến Metro số 1.

Theo đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã điều chỉnh 44 tuyến xe buýt hiện hữu để kết nối với 11 nhà ga trên cao dọc các trục đường Võ Nguyên Giáp, xa lộ Hà Nội. Đặc biệt, có thêm 17 tuyến xe buýt được thành lập mới, xe chạy bằng điện để kết nối với tuyến Metro số 1 trên cơ sở điều chỉnh các tuyến xe buýt hiện hữu như tuyến buýt 153 Bến tàu thủy Bình An - đường Liên Phường, tuyến buýt 156 Bến xe buýt Sài Gòn - Ga Hòa Hưng, tuyến buýt 161 Bến xe buýt Văn Thánh - Bến xe Ngã Tư Ga…

Điểm chung là các tuyến buýt mới kết nối các trọng điểm dân cư, các đầu mối giao thông hoặc các trung tâm thương mại với hệ thống các nhà ga Metro số 1. Hơn 170 xe buýt các loại hoạt động trên 17 tuyến mới sẽ chạy từ 5 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, giãn cách bình quân 10-20 phút tùy tuyến, sẽ cung cấp khoảng 1.100 chuyến xe phục vụ người dân mỗi ngày.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT, cho biết, công tác tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với các nhà ga metro về lâu dài sẽ đem lại những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội và xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giúp hành khách tiếp cận an toàn, dễ dàng với các nhà ga trên tuyến Metro số 1 sẽ giúp khai thác hiệu quả tuyến metro đầu tiên của thành phố.

Việc kết nối đồng bộ, thuận tiện các loại hình vận tải hành khách công cộng, ở đây là metro và xe buýt, sẽ đem lại tác dụng khác là thu hút người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân. Đây sẽ là tiền đề để sắp xếp lại mạng lưới giao thông theo hướng văn minh, hiện đại.

Tin cùng chuyên mục