Nội dung |
Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính Phủ (ngày 2-10-2013) quy định về hoạt động mỹ thuật, trong đó bao gồm cả tượng đài nêu rõ “Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng”.
Tượng Phật Dược Sư của ông chủ Tân Huê Viên được đúc với quy mô chiều cao là 6,8m (chưa bao gồm bệ đặt tượng), nặng 19 tấn (pho tượng này còn dự kiến được dát 88 lượng vàng). Tượng được đặt trong một tòa bảo tháp (Liên hoa Bảo tháp) cao 68 mét, đường kính 119m, phần trung tâm tháp được thiết kế với 16 tấm thép lớn, mô phỏng cánh hoa sen.
Với quy mô trên, rõ ràng tượng Phật Dược Sư tại Tân Huê Viên đảm bảo các yếu tố về chất liệu, kích thước và tính biểu tượng của một tượng đài. Vấn đề là tượng Phật Dược Sư của Tân Huê Viên được đặt trong không gian công cộng hay cá nhân?
Ông Thái Tuấn, Tổng Giám đốc Tân Huê Viên cho biết, “toàn bộ dự án trên, bao gồm cả Liên hoa Bảo tháp, tượng Phật Dược Sư được đầu tư nhằm mục đích hình thành điểm dừng chân tiêu biểu cho du khách khi đến Sóc Trăng. Du khách đến đây có thể tham quan Bảo tháp, tượng Phật, cùng nhiều hạng mục khác... và thưởng thức đặc sản bánh pía của địa phương”.
Theo như trình bày của chủ đầu tư, mục tiêu của dự án là “điểm dừng chân” cho du khách, tức là nhiều người có thể đến đây để tham quan, mua sắm... Trong đó, tượng Phật Dược Sư đặt trong Liên hoa Bảo tháp được kỳ vọng là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách. Như vậy, rõ ràng không gian đặt tượng Phật Dược Sư không thuộc không gian cá nhân (tư gia) mà thuộc không gian công cộng, phục vụ cho nhiều người đến tham quan, thậm chí là thực hiện một số nghi thức tín ngưỡng.
Chỉ tính riêng thời điểm hiện tại (lúc dự án chưa đưa vào khai thác), mỗi tháng cơ sở sản xuất bánh pía – lạp xưởng Tân Huê Viên đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Bên cạnh đó, tại Thông tư 18/2013 (ngày 30-12-2013) hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 113/2013 cũng quy định rõ “Tượng đài, tranh hoành tráng bao gồm: tượng đài (bao gồm cả tượng tôn giáo được xây dựng ở ngoài trời nơi công cộng), phù điêu, khối biểu tượng, tranh hoành tráng bằng các chất liệu”. Theo đó, tượng Phật Dược Sư là một tượng tôn giáo, cũng được xem như một tượng đài.
Căn cứ vào các quy định hiện hành, có thể khẳng định tượng Phật Dược Sư của ông chủ Tân Huê Viên là một tượng đài. Do đó, việc xây dựng tượng đài phải được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Quy định về cấp phép xây dựng tượng đài
Nói đến việc xây dựng tượng đài tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể kể đến tỉnh An Giang, vì An Giang là địa phương có số lượng các tượng đài khá phong phú, bao gồm nhiều tượng đài ở các công viên, tượng đài tại các cơ sở tôn giáo, địa điểm, khu du lịch... đáp ứng yêu cầu mỹ quan, cũng như phục vụ cho hoạt động du lịch...
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh An Giang chia sẻ, ngay buổi đầu khi thực hiện công tác quản lý, điều hành việc xây dựng tượng đài trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn nhất định. Sau đó, từ thực tiễn rồi rút kinh nghiệm thì mới có thể làm tốt hơn.
Thông thường, khi muốn xây dựng một tượng đài, chúng tôi phải tham mưu UBND tỉnh thành lập một Hội đồng. Theo đó, các thành viên Hội đồng gồm: nhà điêu khắc, họa sĩ, kỹ sư, đại diện ngành xây dựng, văn hóa, Ban Tuyên giáo, Ban Tôn giáo... tùy vào từng loại tượng đài.
Hội đồng này sẽ xem xét về các vấn đề pháp lý, rồi hình ảnh của tượng, vị trí đặt tượng như thế nào, xem xét cảnh quan... và nhiều yếu tố khác để tạo nên sự đồng thuận, đảm bảo các đúng theo các quy định của pháp luật. Đối với các tượng đài, gồm cả các tượng ở các công viên, tượng ở các điểm du lịch và cả các tượng tôn giáo, chúng tôi đều phải thành lập Hội đồng để thực hiện.
Đối chiếu theo Điều 20, Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia do Bộ VH-TT-DL xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau khi có ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành liên quan; Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh do Sở VH-TT-DL xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ VH-TT-DL. Nghị định 113/2013/NĐ-CP cũng quy định tại Điều 23 về việc thành lập Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng như sau: Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án phải thành lập Hội đồng nghệ thuật ngay khi triển khai dự án để tư vấn về nghệ thuật; Số lượng thành viên Hội đồng nghệ thuật là số lẻ từ 07 đến 13 thành viên trong đó có chủ tịch và phó chủ tịch; Hội đồng nghệ thuật phải có trên 2/3 số thành viên là các nhà điêu khắc, họa sĩ có trình độ từ đại học trở lên... Trước khi quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật, cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phải có văn bản xin ý kiến Bộ VH-TT-DL về danh sách thành viên Hội đồng nghệ thuật. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng được quy định tại Điều 27, Nghị định 113/2013/NĐ-CP như sau: UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh phải xin ý kiến bằng văn bản của Bộ VH-TT-DL trước khi cấp phép xây dựng đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng sau đây: Công trình tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia; Công trình tượng đài, tranh hoành tráng về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Công trình tượng đài, tranh hoành tráng xây dựng trong khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng. |