Từ 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Vinh (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) không còn đưa trâu bò lên núi tránh lũ vì bà đã xây nhà tránh lũ cho trâu bò.
Bà Vinh đang nuôi 5 con, mỗi con từ 40-50 triệu đồng, để chuẩn bị cho mùa mưa lũ năm nay, gia đình bà đã dự trữ sẵn rơm rạ ở tầng trên nhà tránh lũ, nếu mưa lũ xảy ra chỉ cần dắt trâu bò lên ở là đảm bảo an toàn.
Nhà tránh lũ cho trâu bò thực tế là một chuồng được xây cao trên 4-5m so với mặt đất, đổ sàn bằng bê tông, cốt thép chắc chắn và có cầu thang rộng 1-1,5m để trâu bò dễ dàng di chuyển lên xuống. Bình quân mỗi nhà tránh lũ, người dân đầu tư 40-60 triệu đồng. Nhà nào trâu bò nhiều thì xây dựng rộng hơn, vừa là nơi tránh trú cho trâu bò, vừa nơi dự trữ thức ăn chăn nuôi.
Bà Vinh cho biết: “Mấy năm trước, mỗi lần mưa lũ, dắt bò đi tránh trú khổ lắm, bò cứ chạy lung tung trong nước lũ, tôi phải dắt vào trong núi ở mấy ngày liền đến khi lũ rút mới dắt về”.
Ông Hồ Thanh Hướng (xã Hành Tín Đông) cũng vừa xây dựng hoàn thành nhà tránh lũ cho trâu bò. Nhà tránh lũ có diện tích hơn 20m2 đổ bê tông cốt thép, xây dựng cầu thang dài gần 4m với chi phí hơn 40 triệu đồng. Ông cho biết: “Mưa lũ hằng năm, tôi đều dắt bò vô núi, bây giờ lớn tuổi rồi thì dắt không nổi nữa. Mưa gió, cây ngã đổ trên đường đi vào rừng núi rất nguy hiểm, có khi vừa dắt bò vô núi là nước lũ lên, ngập, không về nhà được”.
Từ khi xây nhà tránh lũ, ông rất an tâm vì mưa lũ đến chỉ cần dắt trâu bò, heo gà, vịt vào tránh trú. “Nói chung, gia đình tôi tới mùa mưa lũ không còn lo lắng nữa, ông Hướng nói.
Xã Hành Tín Đông nằm dọc dòng sông Vệ và 15 con suối. Vào mùa mưa, lượng nước từ thượng nguồn huyện Ba Tơ đổ về cùng lượng nước từ con suối lớn, nhỏ gây ra lũ lụt, ngập sâu tại nhiều thôn trên địa bàn xã. Các khu vực thường xuyên ngập lụt là thôn Xuân Hòa, Đồng Giữa và Nhơn Lộc 2.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết, năm 2013 là cơn lũ lịch sử ở địa phương này, nước lũ dâng cao từ 2-3m, nhiều vùng trũng thấp, lũ ngập đến nóc nhà của người dân. “Trước đây, khi lũ lên, người dân dắt trâu bò vào trong núi, người có đất thì họ làm chuồng trong núi, người không có đất thì họ che tấm bạt để trâu bò tránh trú tạm thời. Lúc đi thì họ dắt bò vào núi được nhưng lúc về thì rất khó khăn, người dân không thể rời núi về nhà vì lũ sông dâng cao, ngập hết nhà cửa, nhiều người chấp nhận ở lại núi đến khi lũ rút", ông Sinh nói.
Người xưa có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, mỗi lần lũ lụt, nhiều trâu bò bị lũ cuốn chết, nhiều gia đình có kinh tế chính là nông nghiệp và chăn nuôi rơi vào cảnh khốn khổ khi thiệt hại trâu bò. Một trong số các hộ dân đã nghiên cứu cách làm nhà tránh lũ cho trâu bò, họ đúc trụ, đổ bê tông làm tầng, làm cầu thang cho trâu bò đi lên. Thấy cách làm có hiệu quả, nhiều hộ dân có trâu bò đã tự bỏ tiền đầu tư xây nhà tránh lũ. Đến nay, có hơn 50 hộ làm nhà tránh lũ cho trâu bò, tập trung ở thôn Xuân Hòa, Đồng Giữa và Nhơn Lộc 2, là các khu vực thường xuyên ngập lụt.
Vào đầu mùa mưa lũ, địa phương tập trung tuyên truyền người dân về các biện pháp phòng chống bão lũ như di chuyển tài sản, gia súc lên vùng cao trước khi xảy ra lũ bão, chống đỡ nhà cửa, dự trữ lương thực đủ ăn trong 15-20 ngày, đồng thời thực hiện phương châm 4 tại chỗ.