Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 dự án, diện tích sàn nhà ở xã hội toàn Thành phố tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 là 1,78 triệu m2 sàn). Trong đó, khu vực nội thành phát triển đóng vai trò chủ đạo, tăng 930.936m2 sàn, khu vực huyện ngoại thành chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, đạt 159.305 m2 sàn; khu vực nội thành hiện hữu có tốc độ tăng chậm lại và khu vực trung tâm hiện hữu không có dự án nhà ở xã hội.
Về nguồn vốn đầu tư xây dựng có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách với quy mô 366 căn hộ; 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô: 13.870 căn hộ; 1 dự án vừa sử dụng vốn ngân sách vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô: 718 căn hộ (254 căn hộ thuộc vốn ngân sách, 464 căn hộ thuộc vốn doanh nghiệp). Như vậy, trong giai đoạn này vốn ngân sách đã đầu tư 620 căn hộ (chiếm 4,15%), vốn doanh nghiệp đã đầu tư 14.334 căn hộ (chiếm 95,85%). Ngoài ra trong thời gian qua hàng ngàn chỗ lưu trú cho công nhân, sinh viên cũng được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước và tư nhân.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, TP đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 0,43 ha, 32.668m2 sàn xây dựng, quy mô 260 căn hộ. Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 – 2025 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 4151/QĐ-UBND ngày 9-12-2021, trong giai đoạn còn lại, phấn đấu phát triển 2,467 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội.
Đại diện Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM cho biết, thời gian qua có 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong các KCN-KCX TP. Qua khảo sát 96.000 người lao động ở 212 doanh nghiệp có đến 64.000 lao động ở nhà trọ, trong đó 54.000 lao động có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội TPHCM cho biết, chương trình cho người lao động vay tiền mua, sửa chữa nhà ở trên địa bàn TPHCM được triển khai từ năm 2018 đến nay chỉ có 310 khách hàng được vay với tổng số tiền gần 150 tỷ đồng. Như vậy, so với nhu cầu còn quá khiêm tốn, bên cạnh đó người lao động cũng có khăn khi cần vốn đối ứng để vay.
Nhiều ý kiến cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế trong thời gian qua là do thủ tục pháp lý đầu tư dự án khá phức tạp. Một ví dụ cụ thể, doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng vẫn thực hiện các quy trình để xác định tiền sử dụng đất rồi sau đó mới làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất; dự án nhà xã hội bị khống chế lợi nhuận nhưng thủ tục không khác gì dự án nhà ở thương mại. Quỹ đất tại các KCN-KCX để phát triển nhà lưu trú cho công nhân hầu như không còn; quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại theo quy định thời gian qua chưa được khai thác hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của TP trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, khoa học - công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh những lợi thế, Thành phố vẫn đứng trước những thách thức, như tốc độ đô thị hóa cao, gia tăng dân số nhanh, mật độ dân số cao, phân bố dân cư chưa hợp lý...
Dự báo bình quân 1 năm TPHCM tăng khoảng 200.000 người, 5 năm tăng khoảng 1 triệu người. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh phát triển nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội của một đô thị lớn. TP sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và kiến nghị Trung ương khắc phục những bất cập để thu hút nguồn lực phát triển nhà ở nói chung và nhà cho người lao động thu nhập thấp trong thời gian tới.