Trong tư tưởng của Bác, Tổ quốc và nhân dân là một. Nói yêu nước là phải nói tới yêu dân, lo cho dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân.
Vì một chữ “Dân”
Nhân dân trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử, là động lực của cách mạng và là nguồn sức mạnh quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Thế nhưng, nhân dân trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là đối tượng phục vụ của cách mạng, cách mạng phải mang lại quyền lợi cho nhân dân: quyền con người và quyền công dân, quyền được ăn no mặc ấm, được học hành, quyền hưởng hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định và đánh giá cao vai trò cùng sức mạnh vĩ đại của nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang trao bằng khen tặng các gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ rất sớm, chứng kiến tình cảnh khổ đau của đồng bào mình, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Đã có nhiều nghiên cứu để giải mã vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Đa số đều thống nhất rằng với tài trí của mình, để tìm con đường thành đạt cho chính mình, đối với Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh không phải là điều khó khăn.
Động lực thôi thúc Người ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân chính là ở chữ DÂN. Người ra đi vì nhân dân của mình và đã trở về với nhân dân. Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chưa hiểu thấu đáo điều này là chưa hiểu về Người. Ngay khi còn ở Pháp, trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Bác với bút danh Chú Nguyễn đã viết: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng. Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập, tự do”. Có lẽ vì vậy mà người thư ký trung thành của Bác, ông Vũ Kỳ, trong tác phẩm Bác Hồ viết Di chúc đã cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Trãi, hai con người cách nhau 5 thế kỷ nhưng có những điểm trùng hợp lạ lùng. Cả hai bậc vĩ nhân ấy đều là những nhà chính trị, nhà quân sự và văn hóa kiệt xuất. Nhưng trên hết, họ gặp nhau ở tấm lòng tha thiết với hạnh phúc của nhân dân, một người nổi danh với Đại cáo bình Ngô bất hủ “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” đã gặp vĩ nhân của thời đại mới với chân lý “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Ngoài lợi ích nhân dân, Đảng không có lợi ích gì khác!
Tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân là tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Đảng ta được thành lập, Người luôn nhắc nhở: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân”. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ tâm niệm một điều rằng: “Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Vì vậy, Người luôn chỉ rõ cho mọi người thấy và hiểu rõ vấn đề cốt lõi của đạo đức cách mạng là: Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Khi đã là người đứng đầu Nhà nước, trong tác phẩm Dân vận nổi tiếng viết năm 1949, Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.
Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề thứ 2 về dân vận, đó là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” với rất nhiều nội dung, quan điểm mới. Năm nay cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ở Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất được Hiến pháp hiến định là đảng cầm quyền và lãnh đạo toàn diện xã hội. Là đảng cầm quyền, nhưng Đảng không phải Nhà nước, Đảng không có quyền lực của cơ quan nhà nước. Vì vậy, thước đo lòng dân đối với Đảng chính là ở việc các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đáp ứng được mong mỏi và lợi ích chính đáng của người dân và ở sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cả cuộc đời cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm độc lập cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân. Người cho rằng vấn đề quan trọng bậc nhất là mang lại lợi ích thiết thực và chính đáng cho nhân dân. Theo Người, lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, sẽ làm cho dân tin Đảng, tin chế độ. Muốn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, trước hết, Đảng phải có chủ trương, nghị quyết đúng đắn, phù hợp và có đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự là công bộc của dân. Cho đến trước khi đi xa, Người cũng không quên căn dặn trong Di chúc: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Mời bạn đọc viết bài tham gia chuyên mục gửi về địa chỉ Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc địa chỉ email: toasoan@sggp.org.vn; hoainamsggp@gmail.com