- TS KHƯƠNG KIM TẠO, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:
Song hành cả giáo dục và trừng phạt
Phong trào xây dựng văn hóa giao thông đã được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phát động từ năm 2010, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn. Các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, hành xử côn đồ khi xảy ra va chạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến.
Văn hóa giao thông thể hiện sự văn minh của một xã hội, vừa là sự tuân thủ pháp luật, vừa là những thói quen ứng xử lịch sự, nhường nhịn khi xảy ra va chạm. Tôi cho rằng, để xây dựng và thúc đẩy nhanh hơn nữa văn hóa giao thông, chúng ta cần cả giáo huấn và trừng phạt. Trong đó, giáo huấn bao gồm giáo dục đào tạo, cả khía cạnh hỗ trợ, khuyến cáo, khuyến khích để hướng con người có hành vi chưa chuẩn mực thành chuẩn mực khi tham gia giao thông. Còn trừng phạt là cần thiết khi đã giáo huấn vẫn không thay đổi, vi phạm. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần có nghiên cứu, giải pháp cụ thể hơn để đảm bảo giáo huấn để người dân hiểu vấn đề, trừng phạt là để nâng cao hiệu quả của giáo huấn.
Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, hạ tầng giao thông cần được đầu tư nâng cấp đủ khả năng, điều kiện để phân làn. Chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy hoạch, quản lý và tổ chức giao thông, cung cấp hệ thống thông tin biển báo rõ ràng, camera giám sát rộng rãi để đảm bảo người dân đi lại thuận lợi, có ý thức tuân thủ pháp luật cao hơn. Với những trường hợp thiếu văn hóa giao thông đến mức vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm để làm gương, tạo hiệu ứng răn đe trong xã hội.
- Thượng tá LÊ ĐỨC TÚY, Phó trưởng Công an quận 4, TPHCM:
Tỉnh táo, suy nghĩ có trách nhiệm
TPHCM là thành phố lớn, mỗi ngày lượng người dân di chuyển trên các phương tiện cực lớn nên thường xuyên kẹt xe, ùn ứ và hay xảy ra các va chạm giao thông trên đường. Hầu hết các vụ va chạm khi tham gia giao thông xuất phát từ lỗi vô ý, bởi không ai mong muốn bản thân khi ra đường gặp chuyện va chạm. Khi người dân nhận thức được rằng, các va chạm ấy là vô ý thì mọi người sẽ hành xử khác hơn, bình tĩnh giải quyết vấn đề với nhau. Tuy nhiên, có trường hợp do nóng nảy, mất bình tĩnh, những người va chạm lại “nói chuyện” bằng tay chân... Điều đó dẫn đến nhiều trường hợp, ngoài bị xử lý lỗi vi phạm về ATGT còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người.
Mới đây nhất, Công an quận 4 đã khởi tố, bắt giam Bùi Thanh Khoa (sinh năm 1984, ngụ quận 10), người đánh tới tấp cô gái trên đường Khánh Hội, sau va chạm giao thông. Có thể nói, hành vi thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật trên đường phần lớn đều được người dân, camera ghi nhận. Nếu có thể, hai bên nên thương lượng với nhau để bồi thường. Nếu không thể hòa giải, các bên có thể yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, không nên hành động trái pháp luật. Trường hợp xảy ra vi phạm, trong đó có việc hành xử côn đồ, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Vì vậy, khi xảy ra va chạm trên đường, người dân cần kiềm chế, ứng xử văn hóa, không nên hành xử trái pháp luật. Trước khi hành động, cần bình tĩnh suy nghĩ về gia đình, về những hậu quả, thiệt hại mà bản thân và gia đình sẽ phải đối mặt; về các kế hoạch, ước vọng tương lai có nguy cơ tan biến; gia đình, vợ con bị ảnh hưởng. Việc suy nghĩ thấu đáo cũng là để kiềm chế cảm xúc, có hành động đúng đắn hơn và đối xử với nhau bằng tình người. Khi xảy ra sự việc mâu thuẫn trên đường, người dân xung quanh cũng cần kịp thời can ngăn, hạn chế để người trong cuộc đi quá giới hạn.
- Ông NGUYỄN VĂN LINH, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM:
Nhường nhịn là một nét văn hóa
“Một điều nhịn, chín điều lành” là nét đẹp truyền thống về cách ứng xử trong quan hệ gia đình, sinh hoạt xã hội thường ngày. Trong điều kiện đường phố thường xuyên xảy ra tắc đường, kẹt xe, người đi đường dễ bị ức chế tâm lý, dễ dẫn đến thái độ manh động, có hành vi thiếu kiểm soát. Vì thế, việc nâng cao ý thức về ứng xử của người dân khi tham gia giao thông là hết sức cần thiết.
Khi ra đường, mỗi người nên biết cảm thông, nhường nhịn lẫn nhau sẽ không xảy ra tình trạng chỉ vì va quẹt, mâu thuẫn nhỏ dẫn đến chửi bới, chặn xe thậm chí đánh nhau giữa đường. Điều cần làm hiện nay là công tác giáo dục, nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông. Từ gia đình, nhà trường đến các ban ngành, đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, phổ biến về luật giao thông, không vượt ẩu, thay vào đó là nhường nhịn, chia sẻ khi tham gia giao thông. Mỗi người khi ra đường hãy chủ động nở nụ cười cảm ơn khi được chia sẻ, nói lời xin lỗi khi xảy ra va chạm, mâu thuẫn trên đường.