Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật tại TPHCM

TPHCM hiện nay có đàn gia súc với 153.531 con heo nuôi tại 1.573 cơ sở; trâu, bò là 88.632 con nuôi tại 8.141 cơ sở; dê cừu là 2.981 con nuôi tại 40 cơ sở; đàn gia cầm với 253.150 con nuôi tại 11 cơ sở chăn nuôi tập trung và tại các hộ. 

Ngoài ra, số lượng chó mèo cũng được thống kê với 181.146 con nuôi tại 103.708 hộ. Với nỗ lực triển khai xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trong những năm qua, hiện nay TPHCM đã được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông) công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh Dại trên chó, mèo, bệnh Cúm gia cầm, bệnh sảy thai truyền nhiễm và bệnh Lao trên bò.

Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật tại TPHCM ảnh 1 Cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả heo châu Phi
Ngày 15 tháng 4 năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1304/QĐ-UBND về phê duyệt chương trình giám sát, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh, xử lý kịp thời tránh lây lan, duy trì và mở rộng vùng an toàn dịch bệnh đối với các bệnh  như Lở mồm long móng, Dịch tả heo châu Phi, Viêm da nổi cục trâu bò, Newcastle trên gia cầm,… Theo đó, các vùng, các cơ sở chăn nuôi sẽ được nhà nước hỗ trợ các chi phí xét nghiệm và các chi phí khác liên quan. Để được công nhận, người chăn nuôi cần đáp ứng một số điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vaccine đạt bảo hộ, có thực hiện giám sát lâm sàng trên vật nuôi, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm bệnh, không có ca bệnh đối với bệnh đăng ký chứng nhận an toàn,...


Khi cơ sở chăn nuôi được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng một số quyền lợi như được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) khi có yêu cầu, được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...; đồng thời các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định như ưu tiên lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật (Khoản 2 Điều 17 của Luật Thú y), rút ngắn thời gian kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (Khoản 2 Điều 39 của Luật Thú y); đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn, được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và theo hướng dẫn của cơ quan thú y. 

Người chăn nuôi cần biết thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ liên hệ Trạm Chăn nuôi và Thú y quận, huyện nơi mình đang chăn nuôi, hoặc liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM (Địa chỉ số: 151 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 11; điện thoại: 028-38536132) để được hướng dẫn hoặc giải đáp các thắc mắc liên quan.

Tin cùng chuyên mục