Vun bồi đạo đức gia đình
Trong thực tế đời thường, bên cạnh những người biết hành xử tận tâm, hiếu kính với ông bà, cha mẹ, sống có trách nhiệm với gia đình, cũng đang có không ít người có lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm với gia đình. Những năm gần đây, hành vi bạo lực gia đình, thậm chí án mạng giữa những người trong cùng gia đình có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân thì có nhiều, khách quan lẫn chủ quan. Chúng ta có thể kể do hoàn cảnh kinh tế - xã hội, hoàn cảnh gia đình, nhiều cám dỗ từ trên mạng và trong đời thực, dẫn đến sự lung lay nền tảng gia đình.
Nhưng ở góc độ giáo dục của gia đình cũng có nhiều bất cập. Có những phụ huynh không sống mẫu mực, thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, vợ chồng không tương kính, nên không thể là tấm gương tốt cho con cái.
Xây dựng chuẩn mực đạo đức xã hội hiện nay là việc làm rất cần thiết. Cùng với việc phát huy hiệu lực răn đe của luật pháp, rất cần quan tâm vun bồi đạo đức gia đình.
Ngày nay, trong việc giáo dục trẻ ở gia đình và nhà trường, cần chú trọng hơn nữa việc dạy trẻ về đạo hiếu và tình cảm trân trọng mái ấm gia đình. Dạy bằng những dòng thơ, câu chuyện nhẹ nhàng để khắc sâu vào tâm khảm ngay từ thời thơ bé.
NGUYỄN MINH ÚT
(huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
(huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Gia đình là tổ ấm mang lại giá trị hạnh phúc trong đời sống của mỗi thành viên. Ảnh: VĂN ĐẠI
Nuôi dưỡng những tình cảm và giá trị văn hóa cao đẹp
Gia đình là tế bào của xã hội, từng tế bào khỏe mạnh thì cơ thể mới khỏe mạnh và là nền tảng vững chắc để phát triển tốt. Hạnh phúc gia đình luôn là nền tảng để xây dựng một xã hội phồn vinh, hạnh phúc.
Song, không ít gia đình Việt Nam hiện nay đang có tình trạng xung đột, bất hòa, bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân… Điều này có nhiều nguyên nhân sâu xa từ trong gia đình, mà cụ thể là các mối quan hệ trong gia đình chưa được coi trọng.
Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa”, phong trào “Người tốt, việc tốt”… Để hưởng ứng tốt các cuộc vận động đó, điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân hãy hướng về gia đình của mình, hướng về người thân của mình, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, địa vị thế nào đi nữa thì gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương, để ta trân trọng và là nơi để quay về.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG
(giảng viên Đại học Nguyễn Huệ)
(giảng viên Đại học Nguyễn Huệ)
Trân trọng những mối quan hệ giữa các thành viên
Quan hệ qua lại giữa các thành viên trong gia đình là nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững. Quan hệ qua lại đó dựa trên nền tảng giáo dục truyền thống cũng như quy tắc trong mỗi gia đình, để từ đó các thành viên tự nguyện cùng thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình của mình.
Ngày nay, có muôn vàn lý do khách quan và chủ quan đã làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, thậm chí đến mức những mâu thuẫn giữa các thành viên đã dẫn đến đổ vỡ gia đình, con cái bỏ rơi cha mẹ, vợ chồng ly hôn, ly thân, anh chị em từ mặt nhau chỉ vì tranh giành tài sản…
Vì thế, để có một gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên hãy trân trọng và thể hiện trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với gia đình, thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:
- Luôn ý thức về bản thân: Bản thân phải luôn ý thức được về cội nguồn của mình. Đó chính là công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và những người thân yêu trong gia đình. Sự thành đạt của cá nhân bao giờ cũng mang dấu ấn của truyền thống gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và đặc biệt là sự giáo dục của ông bà, cha mẹ trong những năm tháng đầu đời, đó là nền tảng để tạo nên giá trị cá nhân.
- Trân trọng các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Một trong những lý do khiến các thành viên trong gia đình đối xử lỏng lẻo, hời hợt với nhau chính là chưa biết trân trọng mối quan hệ này.
Cho dù có những biến cố thế nào đi nữa thì các thành viên trong gia đình hãy giữ gìn các mối quan hệ ruột thịt chặt chẽ, cha mẹ yêu thương con cái và dạy con biết kính trọng cha mẹ, ông bà, anh chị em hòa thuận, đoàn kết.
Muốn như vậy các thành viên không chỉ đùm bọc lẫn nhau mà còn thể hiện các mối quan hệ trên nhiều mặt, đó là mặt tình cảm (yêu thương, quan tâm, chia sẻ, động viên…), mặt công việc (nhiệt tình, trách nhiệm, tạo điều kiện công ăn việc làm…).
Thế hệ trẻ ngày nay thường quan niệm rất đơn giản về giá trị gắn kết của gia đình. Vì thế, cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở và bồi dưỡng cho con những phẩm chất đáng quý của một thành viên trong gia đình, như biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm, có trách nhiệm với mọi người trong mái ấm của mình.
- Xây dựng bầu không khí tâm lý gia đình tích cực: Xây dựng mái ấm gia đình hòa thuận, biết nhường nhịn, yêu thương. Đó là sự tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình.
Gia đình là tổ ấm mang lại giá trị hạnh phúc trong đời sống cá nhân của mỗi thành viên, mỗi công dân từ lúc sinh ra cho đến khi kết thúc cuộc đời. Hạnh phúc của mỗi gia đình là điều kiện quan trọng, để lại dấu ấn sâu đậm trong sự hình thành, phát triển các phẩm chất nhân cách của con người.
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN
(nhà tâm lý học, giảng viên tâm lý)