Xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 107 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) vừa diễn ra, Ban chỉ đạo CVĐ TPHCM xác định, người đứng đầu cơ quan phải chấp hành tốt việc ưu tiên sử dụng dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt.

 

Người tiêu dùng chọn mua quạt điện Bifan sản xuất trong nước Ảnh: CAO THĂNG
Người tiêu dùng chọn mua quạt điện Bifan sản xuất trong nước Ảnh: CAO THĂNG
Hiệu quả chưa cao 

Theo nhận định của ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, CVĐ trên địa bàn TP ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam của người dân TP. Từ đó, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam với chủng loại đa dạng, chất lượng không ngừng hoàn thiện, giá cả hợp lý. Hàng Việt đã chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tại TPHCM, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với TPHCM và từng bước mở rộng xuất khẩu. 

Chương trình hành động của TPHCM với 5 nhiệm vụ, giải pháp gắn với chương trình bình ổn thị trường đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển. CVĐ đã góp phần gắn kết và thúc đẩy nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa; chủ động vượt khó, chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín thương hiệu. Các hoạt động quảng bá, kết nối DN và xúc tiến tiêu thụ hàng Việt trong chương trình hành động của TP thực hiện CVĐ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các tỉnh, thành phố trong nước. Đặc biệt, 3 năm qua Ban chỉ đạo CVĐ TPHCM gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn vệ sinh, chất lượng đảm bảo để phục vụ tốt đời sống nhân dân, phát huy tốt hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

Tuy nhiên, CVĐ vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế. Một số địa phương, cơ quan triển khai CVĐ chưa đúng mức, chưa cụ thể, kết quả đạt được còn hạn chế; hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, thiếu sự kiểm tra đôn đốc, đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Đối với DN, đa số là DN nhỏ và vừa, yếu về tiềm lực vốn đầu tư và trình độ khiến năng lực cạnh tranh thấp, gặp nhiều khó khăn với hàng hóa nhập khẩu, nhất là trong xu thế các DN nước ngoài đang nắm giữ khá nhiều hệ thống phân phối tại Việt Nam. Công tác quản lý thị trường, quản lý giá tuy có nỗ lực nhưng còn hạn chế. Một lượng không nhỏ hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường, làm ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. 

Ở tầm vĩ mô, 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X và các chương trình hành động của TP liên quan đến hoạt động của DN chưa được triển khai kịp thời và đồng bộ…

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng


Để khắc phục hạn chế và thực hiện CVĐ đạt hiệu quả cao hơn, đại diện Ban chỉ đạo CVĐ quận Tân Bình kiến nghị Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra và xử phạt nặng các trường hợp sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời, để người tiêu dùng thật sự an tâm khi sử dụng hàng Việt, Nhà nước cần quan tâm tạo môi trường thuận lợi và điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả; góp phần cung ứng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và nước ngoài. 

Về phía nhà sản xuất cần đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành, cam kết sản xuất hàng hóa chất lượng cao với giá cả phù hợp để thu hút người tiêu dùng ngày càng đông đảo, lâu dài. 

Theo đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Ban chỉ đạo CVĐ TPHCM, trong giai đoạn 2018-2020, TPHCM xác định chú trọng gắn việc thực hiện CVĐ trong bối cảnh toàn TP phấn đấu thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với nhận thức và hành động mạnh mẽ hơn, gắn với việc góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ X của TP. Chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, DN nhà nước, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải chấp hành tốt việc ưu tiên sử dụng dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước khi thực hiện mua sắm công. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên… phải tự giác, gương mẫu thực hiện CVĐ, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng hưởng ứng, từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động được xem là giải pháp hàng đầu, thực hiện thường xuyên và lâu dài với những bước đi thích hợp, vững chắc nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong đại bộ phận người Việt. Thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của UBND TP ban hành thông qua các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Rà soát, bổ sung các nhóm giải pháp của chương trình hành động và hoạt động trong từng nhóm giải pháp phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển và các cam kết hội nhập quốc tế mà nước ta là thành viên. Tập trung hỗ trợ DN phát triển và xây dựng thương hiệu hàng Việt nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu.
 Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ, cho biết điểm nổi bật sau 9 năm thực hiện CVĐ là chúng ta đã triển khai tinh thần CVĐ một cách sâu rộng từ trung tâm đến tận các khu dân cư, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhờ đó, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khuyến khích DN trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng mẫu mã hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống phân phối ngày càng cao, ở cả những địa phương khó khăn. 
Trong năm 2018, để tạo tiền đề cho việc tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ, Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ đang triển khai các chương trình hỗ trợ DN trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử, nhân rộng các điểm bán hàng Việt hoặc thực hiện những đề án kết nối cung - cầu, tạo sự gặp gỡ giữa người tiêu dùng và DN, người tiêu dùng với sản phẩm trong nước, DN sản xuất và DN phân phối… Hỗ trợ, khuyến khích DN tiếp tục xây dựng thương hiệu, vị thế trên thị trường, giữ được thị phần trong nước. Tiếp tục tuyên truyền vận động để các thương hiệu Việt, hàng Việt chất lượng cao ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. 

Tin cùng chuyên mục