20/30 ngành có chỉ số IIP tăng
Đối với các ngành công nghiệp cấp 2, tính chung 4 tháng đầu năm 2019 có 20/30 ngành có chỉ số IIP tăng so cùng kỳ năm trước. Còn với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số IIP tăng 7,02% so cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao hơn 0,44 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 1,4%, hóa dược (2,12%), điện tử (29,29%), cơ khí (6,37%). Đặc biệt, ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao do doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại. Đồng thời, sản xuất sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử… có thị trường tiêu thụ ổn định.
Qua 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 12.657,9 triệu USD, tăng 11,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) đạt 11.905,8 triệu USD, tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM qua các cảng tại thành phố, đứng đầu là thị trường Trung Quốc, tiếp đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Tuy nhiên, nhìn chung những tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thành phố đang chịu tác động của tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, cũng như kết quả từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc và tiến trình Brexit giữa Anh và EU.
Giá cả trong nước cũng bị tác động một phần bởi giá vàng, giá dầu trên của thế giới; ngành chăn nuôi gặp khó khăn do dịch tả heo châu Phi… Trước bối cảnh này, TPHCM đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, tính riêng quý 1-2019, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước tăng 7,64% so cùng kỳ năm trước, bằng với mức tăng của quý 1-2018.
Ngoài ra, tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì mức tăng tương đối ổn định, không có sự tăng hay giảm đột biến. Riêng chỉ số IIP tháng 4-2019 ước tính giảm 1,68% so với tháng 3-2019.
Tăng cơ hội kết nối thị trường
Để đạt được các mục tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế, TPHCM cần tiếp tục tăng cường những giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất ở những tháng tiếp theo. Bà Bùi Hoàng Yến, đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại TPHCM, nhận xét đối với ngành dệt may thì nút thắt cổ chai là khâu nhuộm và khâu hoàn tất chưa được tháo gỡ. Do vậy, thành phố cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết ngang và quản lý tốt chuỗi liên kết dọc. Nếu phát triển được cả 2 chuỗi liên kết này sẽ thúc đẩy cải thiện chuỗi cung ứng dệt may, tạo sức mạnh chung cho toàn ngành về phát triển sản phẩm, sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, logistics…
Ở góc độ khác, ông Trần Tiến Khai, Thư ký của Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” đánh giá, thành phố đã nỗ lực xây dựng hệ thống bán lẻ; doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đầu mối, chợ đầu mối, chuỗi cung ứng… nhằm tạo đầu ra cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vai trò của các doanh nghiệp thực phẩm và hệ thống chợ đầu mối là không thể thiếu được trong kết nối nơi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, nhất là tạo đầu ra cho sản phẩm nội địa.
Liên quan đến thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh liên vùng, về phía Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) với vai trò Trưởng ban điều phối “Chương trình hợp tác trên lĩnh vực xúc tiến thương mại - đầu tư” giai đoạn 2014 - 2020, cho biết các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã nỗ lực tổ chức thực hiện gần 2.450 sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm Việt tại thị trường trong nước và quốc tế. Các chương trình đã thu hút khoảng 294.000 lượt doanh nghiệp tham gia.
Trước nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của doanh nghiệp, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, tin rằng trong thời gian tới, các hoạt động kết nối cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại sẽ được tăng cường tổ chức hiệu quả. Điển hình, trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam đã kết nối thông tin thông qua việc liên kết trang web, thường xuyên đăng tải các báo cáo về nghiên cứu thị trường, chương trình hoạt động, sự kiện của các địa phương để giới thiệu cho doanh nghiệp tại địa phương và trong khu vực tìm kiếm cơ hội phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.