Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp Hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam; cùng đại diện các viện trường và các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết: TP Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL, nhận thức Đề án cực kỳ quan trọng đối với vựa lúa ĐBSCL. Đây là Đề án đầu tiên do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo.
Đề án có tầm vóc quốc tế, được nhiều nước trên thế giới quan tâm. TP Cần Thơ đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Tập huấn các kỹ thuật theo quy trình sản xuất của Đề án cho cán bộ cơ sở khuyến nông cộng đồng và nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất trong gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp…
Tại diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đã đánh giá lại kết quả 7 mô hình thí điểm thực hiện Đề án tại 5 tỉnh, thành (Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh) đại diện cho 3 vùng sinh thái (thượng, hạ và vùng giữa ĐBSCL).
Trong đó, Kiên Giang có 2 mô hình là lúa và lúa – tôm. Bước đầu, kết quả từ các mô hình thí điểm này đã mang lại hiệu quả cao, tăng lợi nhuận cho nông dân và giảm phát thải trong sản xuất lúa. Đây được xem là hướng đi đáng mừng khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền đang cho thấy nhiều tín hiệu tốt.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, để tối ưu quản lý, hệ thống canh tác, sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cần tổng hợp một bộ dữ liệu đầy đủ về đất, dinh dưỡng cây trồng, cơ sở hạ tầng, quản lý rơm rạ…
Phần lớn các tỉnh hiện đang dựa vào định lượng cơ bản chứ chưa có cơ sở dữ liệu chính xác dẫn đến chưa tối ưu hóa được chi phí đầu tư. Vì vậy, các trường đại học và viện nghiên cứu cần tham gia mạnh mẽ hơn vào Đề án để cùng xây dựng bộ dữ liệu hoàn chỉnh.
Ngoài ra, công nghệ và thực hành phải phù hợp với điều kiện từng vùng chuyên biệt, thúc đẩy ứng dụng số để hỗ trợ kết nối nông dân và doanh nghiệp, xây dựng mô hình và kế hoạch kinh doanh minh bạch, rõ ràng, tạo được sự tin tưởng của ngân hàng để vay vốn thuận lợi.
Ông Lê Thanh Tùng chia sẻ, trên thực tế, lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao. Việt Nam đang ở mức phát thải 0,9%, tức là cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan... Thực tế sản xuất còn thiếu sự đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo.
Điều đáng ghi nhận là ĐBSCL đã có bước tiến trong cơ giới hóa. Cụ thể với 1,7 triệu ha lúa ở ĐBSCL chỉ có 2 máy gặt đập liên hợp năm 2006. Sau đó 6 năm, có tới 12.000 máy gặt đập liên hợp, cho thấy tốc độ phát triển rất nhanh.
Theo ông Lê Thanh Tùng, chỉ cần có khoa học kỹ thuật phù hợp, thì sự phát triển sẽ mặc nhiên nhanh chóng. Trọng tâm là đào tạo và chuyển giao công nghệ, đây là chìa khóa mở ra các cánh cửa khi thực hiện Đề án. Trong tương lai, nhiệm vụ của Đề án vẫn là nhân rộng mô hình theo hướng chuỗi giá trị, cơ sở dữ liệu sinh thái, phát triển công nghệ, thay đổi hành vi, tăng cường năng lực.