Ngày 2-1, Thường trực Thành ủy TPHCM nghe báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận số 47-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các cơ quan có liên quan cùng đến dự.
Xây dựng trung tâm hấp dẫn, mang tính đặc thù TPHCM
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Trong đó, đồng chí đề nghị UBND TPHCM chủ động phối hợp với Bộ KH-ĐT, các cơ quan liên quan để triển khai các nội dung chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, bước đi đầu tiên là thành lập Ban Chỉ đạo Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban, với sự tham gia của các lãnh đạo cơ quan liên quan.
Đồng thời, tổ giúp việc sẽ do Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng, trực tiếp điều hành các công việc chuẩn bị và khẩn trương ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, kế hoạch hoạt động cần tập trung vào các nội dung trọng tâm như hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội trong phiên họp tháng 5 năm 2025 theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ.
Toàn bộ kế hoạch này, TPHCM phải hoàn chỉnh trong tháng 1-2025, bao gồm các chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững cho hoạt động của Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM.
Việc chuẩn bị cần sự tham mưu, lắng nghe ý kiến chuyên gia, phối hợp thẩm định chặt chẽ, nhất là trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng các chính sách, cơ chế hành lang pháp lý, trong đó tránh các thiếu sót có thể gây khó khăn trong quá trình vận hành.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, TPHCM cần có kế hoạch chi tiết trong đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực. Việc đào tạo này không chỉ tập trung vào lực lượng nhân sự hiện có mà còn tuyển chọn thêm nhân lực chất lượng cao, được gửi đi đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới thông qua các chương trình hợp tác.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của trung tâm cần được xây dựng theo hướng hiện đại, tiên tiến, có lộ trình rõ ràng và đặc biệt phải đảm bảo kết nối hạ tầng số và truyền thông thông tin, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Trong bối cảnh TPHCM ra mắt Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM sau nhiều trung tâm trên thế giới, đây được xem là cơ hội để thành phố học hỏi, rút kinh nghiệm từ các mô hình đã thành công.
Tuy nhiên, đồng chí cũng nhấn mạnh, TPHCM xây dựng trung tâm có những ưu điểm hơn, hấp dẫn hơn và đặc biệt là phải mang tính đặc thù của thành phố.
TPHCM cần sáng tạo để tạo ra những giá trị đặc thù riêng, phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế của mình. Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM không chỉ là một công trình đơn lẻ mà còn là một phần của hệ sinh thái tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán, tư vấn luật... Đây sẽ là nền tảng thu hút vốn đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý, trong từng kế hoạch của TPHCM phải chú trọng việc thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn từ các lĩnh vực ngân hàng, quỹ đầu tư, doanh nghiệp tài chính mang tầm cỡ ở khu vực và thế giới.
Việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM mở ra triển vọng phát triển rất lớn cho thành phố trong tương lai. Do vậy, TPHCM cần tập trung vận dụng tối đa các chính sách, cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội và thẩm quyền của TPHCM để phát huy hết các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao những bước chuẩn bị bước đầu của TPHCM, coi đây là động lực mới để thành phố tăng tốc và bứt phá trong thời gian tới.
Với kế hoạch GDP tăng trưởng 10% trong năm 2025, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM không chỉ góp phần vào đạt được mục tiêu này mà còn mở ra cơ hội mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại TPHCM tiếp cận nguồn vốn quốc tế thuận lợi hơn và có sự chọn lựa hơn để thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế mà còn đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân, những người đã luôn mong muốn TPHCM vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu khu vực và thế giới. Đây là thời điểm lịch sử để TPHCM bước vào chặng đường mới, xây dựng một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với danh hiệu thành phố mang tên Bác.
Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng ban chỉ đạo xây dựng trung tâm
Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM là việc quan trọng, mới và khó, cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành.
Theo đồng chí, có những việc thành phố phải chủ động nghiên cứu đề xuất. Nhất là đề xuất các cơ chế chính sách, xây dựng hạ tầng, nguồn nhân lực và tổ chức bộ máy của Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM.
Bên cạnh đó, muốn trung tâm hoạt động và có hiệu quả, thành phố phải xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường xã hội, cần có “luồng xanh” cho Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM.
Đồng chí đề xuất Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo toàn diện 5 nhiệm vụ, gồm cơ chế chính sách, xây dựng hạ tầng, xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng bộ máy và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh.
Thay mặt Ban cán sự đảng UBND TPHCM báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng kiến nghị Thường trực Thành ủy TPHCM chỉ đạo, triển khai thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính TPHCM, trong đó đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM làm Trưởng ban.
Kiến nghị Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng Trung tâm tài chính; xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ Trung tâm tài chính. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và triển khai phương án đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính.
Ban Chỉ đạo của thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung nhiệm vụ cụ thể theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành về kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam…
Kết luận số 47 của Bộ Chính trị đồng ý Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng. Thành lập các cơ quan để quản lý Trung tâm tài chính, gồm: cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bộ Chính trị cơ bản đồng ý chủ trương cho phép áp dụng các chính sách xây dựng Trung tâm tài chính và lộ trình thực hiện nêu trong đề án. Trong đó, từ nay đến năm 2030: Ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Từ năm 2030 đến 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Lộ trình khung này mang tính chất định hướng; quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.
Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính để triển khai thực hiện; nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách đột phá, mang tính cạnh tranh để kiến tạo mô hình phát triển Trung tâm tài chính phù hợp hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trước mắt là Nghị quyết của Quốc hội) về Trung tâm tài chính quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách và giao Chính phủ ban hành văn bản phù hợp hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể, phát sinh…