Chậm nhưng tất yếu
Đề án được xem là nhu cầu cấp thiết và xuất phát từ thực tế sự phát triển của nền tảng công nghệ số hóa. Nhiều hãng phim lớn đã phát hành song song tại rạp và trực tuyến, đồng thời tạo các nền tảng phát hành mới nhằm khai thác triệt để yếu tố thương mại.
Có một điểm chung được nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, sự ra đời của trung tâm sẽ giúp hạn chế lãng phí tài nguyên. NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, chỉ rõ: “Có rất nhiều bộ phim tài liệu không được chiếu và phổ biến rộng rãi; phim được phát sóng 1 lần, hoàn toàn lệ thuộc vào khung sóng của đài. Có trung tâm, các bộ phim sẽ được chiếu, khán giả được tiếp cận nhiều hơn”. Đại diện Trung tâm Chiếu phim quốc gia cũng khẳng định: “Đối với các phim điện ảnh do Nhà nước đầu tư sản xuất, được phát hành chủ yếu qua phương thức truyền thống tại rạp. Phim được chiếu trong thời gian ngắn do không thể cạnh tranh với các phim thương mại, bom tấn, sau đó được gửi lưu trữ hoặc chỉ được chiếu lại trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, trong khi nhiều địa phương luôn trong tình trạng khan hiếm phim để phục vụ”.
Có thể khẳng định sự ra đời trung tâm là bước đi chậm so với thị trường. Tháng 5-2013, FPT Play đã cho ra mắt phiên bản ứng dụng mobile lần đầu tiên. Tháng 8-2015, Fim+ (tiền thân của Galaxy Play) chính thức ra mắt trên thiết bị phát trực tuyến MyTV. Tháng 10-2016, DANET chính thức ra đời và tháng 6-2020, VieON cũng ra mắt.
Theo đại diện Cục Điện ảnh, đơn vị soạn thảo đề án, ưu điểm của trung tâm là người xem có thể tìm thấy rất nhiều bộ phim Việt Nam sản xuất qua nhiều thời kỳ, đặc biệt là các bộ phim từng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan phim quốc gia, quốc tế, các bộ phim thành công về thương mại trong và ngoài nước. “Trung tâm có thể được coi là một trong những nơi lưu trữ từ phim điện ảnh, tài liệu, hoạt hình, khoa học, tư liệu hình ảnh động… để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập hoặc sở thích cá nhân”, đại diện Cục Điện ảnh cho hay.
Có trung tâm mà không có phim
Trong đề án thành lập trung tâm, vấn đề nhận được sự quan tâm đầu tiên là lấy nguồn phim ở đâu. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh: “Viện Phim Việt Nam là một trong những đối tượng, chiếm ít nhất 50% nguồn phim. 50% còn lại sẽ đến từ các đơn vị sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, đối với phim nhà nước, trước hết phải được số hóa mà theo tôi được biết việc này đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không giải quyết, sẽ dẫn đến tình trạng có trung tâm mà không có phim”.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, cho hay, đơn vị này đang bảo quản 80.000 cuộn phim nhựa có nhu cầu được số hóa. “Mỗi năm chúng tôi chỉ số hóa được 700 cuốn cho độ phân giải 2K vì ít công nghệ, thiết bị. Theo kinh phí đầu tư hiện tại, để số hóa hết 80.000 cuộn phim thì không biết khi đó còn phim để số hóa hay đã bị mai một vì thời gian quá lâu”. Tương tự, ông Quang Tùng nhấn mạnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đang lưu trữ gần 12.000 cuốn phim nhựa. “Việc chuyển đổi phim nhựa sang kỹ thuật số rất khó khăn. Nếu để lãng phí phim tư liệu là có lỗi với thế hệ đi trước”.
Liên quan đến nội dung, vấn đề chủ sở hữu, bản quyền cũng đặt ra nhiều thách thức. PGS-TS Lê Thị Bích Hồng, giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nhắc lại câu chuyện Viện Phim Việt Nam từng đưa 9 bộ phim Nhà nước đặt hàng lên kênh YouTube của mình vào tháng 7-2021. Tuy nhiên vấn đề này đã gây ra không ít tranh cãi, bất đồng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị. “Chỉ riêng vấn đề đó thôi đã bộc lộ những lúng túng trong cách quản lý, chỉ đạo, phối hợp trong các đơn vị liên quan”, bà Hồng nhấn mạnh. Do đó, đối với đề án lần này, khi nguồn phim còn đến từ sự huy động các đơn vị sản xuất tư nhân, bài toán về bản quyền - quyền lợi càng đặt ra bức thiết hơn.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng: “Nhà quản lý cần đóng vai trò tạo môi trường trong sạch, lành mạnh và minh bạch cho doanh nghiệp phát triển thông qua các văn bản pháp lý rõ ràng và một hệ thống thực thi pháp luật nghiêm minh”. Bà cho rằng, việc nhà quản lý cần làm là tăng cường đẩy mạnh thực thi sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức cho người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Theo đề án, Nhà nước sẽ cấp 100% kinh phí cho việc đầu tư hệ thống, thiết bị và kinh phí vận hành trong 5 năm đầu. Trung tâm sẽ duy trì khoảng 3.000-4.000 đầu phim. Phấn đấu đến giai đoạn 2 (2028-2030) sẽ cung cấp tối đa 5.000 giờ phim, đạt khoảng 1 triệu lượt truy cập với khoảng 500.000 thuê bao. Và từ năm 2031, trung tâm sẽ tự đảm bảo chi phí vận hành, cung cấp tối đa 10.000 giờ phim, phấn đấu đạt 3 triệu lượt truy cập với khoảng 1,5 triệu lượt thuê bao. |