Tăng lượng nhưng không tăng chất
Giai đoạn 2009-2018, thị trường xuất khẩu nông nghiệp mở rộng tăng từ 72 nước lên 180 nước. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào hai thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ, chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu trên 70% rau quả sang Trung Quốc.
Cũng chính vì lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường, khi xảy ra dịch Covid-19, ngành nông nghiệp gặp phải không ít khó khăn, nhận ra “lỗ hổng” liên kết chưa chặt chẽ, thiếu bền vững, không có thông tin thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thiếu kiểm soát chặt chẽ, nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng.
Một số mặt hàng của Việt Nam đứng đầu thế giới về tổng trị giá xuất khẩu tiêu, điều, tôm, cá tra, cà phê, gạo nhưng thứ hạng về giá xuất khẩu lại rất thấp.
Đơn cử, kênh phân phối gạo gồm nhiều tác nhân từ nông dân, thương lái, nhà máy xay xát chế biến, sản phẩm chưa có thương hiệu, xuất khẩu thô… Hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ, chưa thể cạnh tranh được nhiều nước.
Đối với thương mại biên giới việc mua bán, trao đổi một số mặt hàng vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng mua bán, thông tin thị trường còn thiếu. Trái cây chỉ xuất tươi, công nghệ bảo quản còn kém.
Đã thế, dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc cấm các địa phương “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng các doanh nghiệp không nắm được thông tin vẫn cho xe vận chuyển đến biên giới, gây thiệt hại lớn.
Nguyên nhân đầu tiên có thể nhắc đến như thiếu kết nối giữa sản xuất với thị trường xuất khẩu; thông tin về thị trường, giá cả, yêu cầu chất lượng của các nước nhập khẩu còn kém, khiến các doanh nghiệp chưa nắm bắt được hết các thông tin để tổ chức sản xuất hợp lý.
Mặc dù có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở vị trí dẫn đầu thế giới nhưng có đến hơn 80% chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm xuất khẩu chưa đồng đều, trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng cao. Do đó, sản phẩm giảm sức cạnh tranh, không tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu.
Với quan điểm của một nhà xuất khẩu trái cây lớn, để hạn chế tình trạng “giải cứu”, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty XNK Chánh Thu xác định, thông tin thị trường vẫn là quan trọng nhất. Sau khi có thông tin, doanh nghiệp sẽ đưa về vùng nguyên liệu để điều phối sản xuất.
Tại các nước nhập khẩu, cần sự hỗ trợ của các tham tán thương mại Việt Nam đánh giá tình hình thị trường, giá cả và xúc tiến thương mại vào các hệ thống phân phối.
Kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng
Bộ NN-PTNT đang triển khai Đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng hàng nông sản Việt Nam hiện đại (gọi tắt Trung tâm), giai đoạn 2020-2030 và định hướng đến 2045” góp phần thay đổi toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối nông sản một cách có hiệu quả.
Từ kinh nghiệm của các nước, mô hình Trung tâm gắn với các sàn giao dịch giúp kết nối được sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản hiệu quả, đảm bảo chất lượng, VSATTP.
Trung tâm được vận hành trên cơ sở đặt tại các thành phố lớn, kết nối chặt chẽ với các trung tâm thu gom nông sản đặt tại các vùng sản xuất trọng điểm, các trung tâm cung ứng nông sản đường biên và thị trường quốc tế.
Cùng với đó, các sản phẩm khi vào Trung tâm sẽ được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đảm bảo chất lượng, phân loại và đóng gói sản phẩm theo các tiêu chuẩn, số lượng quy định trong giao dịch. Mặt khác, Trung tâm còn có chức năng đấu giá công khai thông qua phương thức truyền thông, trực tuyến. Không những cung cấp thông tin thị trường, Trung tâm được thiết lập mạng cung ứng kỹ thuật số có thể tiếp cận nhiều thị trường, hoạt động logistics thực hiện trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới…
Tất cả sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm trên nhiều phương diện khác nhau, từ đó điều chỉnh sản phẩm, khối lượng cung ứng và lập kế hoạch kinh doanh cho phù hợp. Đặc biệt, sàn giao dịch điện tử với nhiều thông tin giá cả thị trường nhiều nước và tích hợp thanh toán các dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, đối với Trung tâm, Nhà nước chỉ tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp triển khai. Trung tâm hình thành nhằm tăng hiệu quả của các chuỗi cung ứng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần định hình lại thị trường nông sản Việt Nam.
Ngoài ra, Trung tâm được thiết lập sẽ tạo ra kênh phân phối hiệu quả, giảm chi phí trung gian, kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng; góp phần phân bổ lại lợi nhuận của các tác nhân trong chuỗi.
Đồng thời, sản xuất nông nghiệp sẽ giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng cũng như người kinh doanh về các vấn đề môi trường...
Quan trọng hơn hết là nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh của các doanh nghiệp, do tất cả các khối lượng hàng hóa giao dịch được quản lý.