Công trình cải tạo công viên Bến Bạch Đằng vừa hoàn thành, tạo ra điểm nhấn về du lịch của TPHCM. Từ câu chuyện công viên Bến Bạch Đằng, nhiều vấn đề về cảnh quan đô thị sông nước của TPHCM đang được đặt ra.
Báo SGGP tiếp tục giới thiệu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Ông HOÀNG PHƯƠNG, khu phố 5, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM: Sự đổi thay diệu kỳ
Cũng như hàng vạn cư dân đã và đang sinh sống dọc bờ kênh Thanh Đa, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cải tạo khu vực bờ kè thành công viên như bây giờ. Trước đó, khu vực 2 bờ kênh Thanh Đa là đầm lầy, nước đọng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như văn hóa xã hội, an ninh trật tự ở khu vực. Hàng trăm căn nhà xây dựng tạm bợ, cùng với đó là đủ loại tệ nạn. Ấy vậy mà giờ đây, 2 bờ kênh Thanh Đa đã là công viên thoáng mát, sạch sẽ. Sự đổi thay quá diệu kỳ!
Ngày 2 buổi sáng, chiều, hàng ngàn người đến đây tập thể dục, hít thở khí trời trong xanh, sạch mát. Đêm đến, đây là nơi hẹn hò, vui chơi của giới trẻ. Chúng tôi rất trân quý tài sản phúc lợi mà chính quyền thành phố đã không tiếc kinh phí đầu tư cho người dân.
Ông NGUYỄN BẢO TOÀN, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành hướng dẫn viên Công ty Vietravel: Tái hiện thương cảng sầm uất
Cuối tuần, tôi cùng bạn bè trải nghiệm chèo Sup, một loại ván lướt sóng có mái chèo, ngang qua khu vực biệt thự xinh đẹp Thảo Điền (TP Thủ Đức), dõi mắt ngắm khung cảnh hai bờ sông Sài Gòn. Phải khẳng định rằng khúc sông này quá đẹp, quá bình yên. Nơi đây, không gian đầy ắp sự trong lành, không xuất hiện ồn ào, nhộn nhịp thường thấy ở những khu vực ven bờ quanh quận 1. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh ở hai bờ sông Hàn thuộc thủ đô Seoul (Hàn Quốc).
“Kỳ tích sông Hàn” đọng lại trong tôi là sự quy hoạch những công viên bờ sông, các con đường dành cho người đạp xe và người bộ hành, thanh thoát, cách xa đường giao thông; đủ để tiếng ồn ào của ô tô không ảnh hưởng đến sự giải tỏa căng thẳng bởi những áp lực của cuộc sống. Liệu TPHCM có làm được điều đó không? Bao giờ có “Kỳ tích sông Sài Gòn”?
Hãy nhìn vào quá trình làm “sống” lại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10km chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận, đổ ra sông Sài Gòn; xem đó là một cuộc tập dượt trước khi bắt tay vào quy hoạch lại không gian của 80km đoạn sông chảy xuyên địa bàn TPHCM. Hãy tái hiện thương cảng hàng đầu Đông Dương, hãy để chợ hoa trên Bến Bình Đông (quận 8) xuất hiện không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán; hãy để sự bình đẳng trong hưởng thụ không gian chung không phân biệt giàu nghèo. Hãy để gió sông Sài Gòn trở thành luồng sinh khí mới thay thế cho những luồng gió phát ra từ máy điều hòa của những khối bê tông cao ốc.
Ông VŨ HUY LONG, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM: Chung tay gìn giữ
Từ khi các con kênh ở TPHCM được cải tạo, thì bờ kè được nâng cấp và khu đất xung quanh trở thành công viên. Người dân thành phố vui mừng về sự đổi thay mạnh mẽ ở khu vực này. Nét đẹp 2 bên bờ kênh đã góp phần tô đậm sự thanh bình, không khí trong lành của thành phố. Tuy nhiên, kể từ đó lại xuất hiện nhiều nhóm người tổ chức câu cá, mặc dù họ biết rằng các con kênh, cụ thể là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đang trong giai đoạn cải tạo, cá được thả xuống dòng kênh cũng vì mục đích đó. Họ vứt dây câu, lưỡi câu bị đứt bừa bãi dọc lối đi, khiến nhiều người bị thương. Để các dòng kênh luôn xanh, đẹp; công viên bờ kè thoáng mát, sạch sẽ, theo chúng tôi, cần chấm dứt ngay những hình ảnh không đẹp mắt nêu trên.
Ông NGUYỄN MINH MẪN, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TSTtourist: Gắn phát triển đường sông với kinh tế du lịch
Sông Sài Gòn đi qua nhiều tỉnh, thành, trong đó trên địa bàn TPHCM gắn liền với nhiều quận, huyện. Như vậy có thể thấy, song hành các hoạt động trên đất liền, sông Sài Gòn đã và đang góp phần rất lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ vận tải hành khách đến hàng hóa, du lịch đường thủy. Tuyến đường thủy Saigon Waterbus đã phát huy được tác dụng, vừa là phương tiện di chuyển công cộng vừa phục vụ du lịch. Do đó, thành phố cần khuyến khích và đồng ý mở rộng nhiều tuyến đường thủy, để vừa giảm tải giao thông đường bộ, vừa hỗ trợ nhu cầu đi lại và mở thêm tuyến du lịch mới cho thành phố.
Sự chuyển tiếp từ cuộc sống đô thị với xe cộ hối hả sang hình thức du lịch và di chuyển trên dòng sông Sài Gòn không những giảm áp lực cuộc sống mà còn giúp cuộc sống mỗi ngày thêm thú vị. Điều quan trọng hơn, việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị hai bên bờ sông, tạo thêm công viên, những con đường ven sông góp phần mang lại sức sống mới, sự thuận tiện cho người dân và cả cơ hội kết nối du lịch “trên bến dưới thuyền”.