Hoạt động nhằm tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung. Có ý kiến cho rằng, cần lập và triển khai quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, để đưa giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế.
Chia sẻ tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa”, PGS-TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa, thẳng thắn nhận định: “Hiện nay hoạt động của di tích và công viên khá đơn điệu, hàng ngày chỉ thấy nhiều người vào tập thể dục”. Đồng tình với nhận định này, PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cũng cho rằng, Công viên Văn hóa Đống Đa đang rất thiếu các sự kiện có khả năng tạo nên cơ hội cho sự trải nghiệm thực sự hấp dẫn. Phòng trưng bày chưa đáp ứng được tiêu chí bảo tàng học hiện đại nên kém sức hấp dẫn.
Theo TS Đặng Văn Bài, trước đó đã có ý tưởng xây dựng ở đây một tổ hợp “Panorama” về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ý tưởng này hay nhưng không dễ để hiện thực hóa. Hiện trên thế giới, người ta bắt đầu xây dựng các tổ hợp trưng bày “hiện thực ảo” bằng sự trợ giúp căn bản của kỹ thuật số, vì thế, nếu có sự sáng tạo trong nghiên cứu xây dựng các tổ hợp kỹ thuật hiện đại như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng trung tâm diễn giải lịch sử có sức thuyết phục cao ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.
“Di sản văn hóa mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì bảo tồn sẽ không bền vững”, dựa trên nhận định này, PGS-TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, cho rằng, UBND TP Hà Nội nên tiến hành lập và triển khai quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa. Việc này không chỉ góp phần biến di sản thành tài sản, mà còn đưa giá trị văn hóa, hình ảnh, đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế…
Theo TS Phạm Mai Hùng, di tích Gò Đống Đa là di tích còn lại duy nhất trong số 12 gò Đống Đa mà chúng ta đã được biết, cần được bảo tồn, tôn tạo ngang tầm với giá trị của nó. Ngoài ra cần khôi phục Trung Liệt miếu, nơi thờ tự những anh hùng chống Pháp tiêu biểu như: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng… tạo cho di tích có giá trị kép về giá trị lịch sử và giá trị tâm linh. Đặc biệt, cần nghiên cứu, sưu tầm và xây dựng mới hoàn toàn nội dung trưng bày bổ sung cho di tích với chiến thằng Ngọc Hồi - Đống Đa bằng 2 chủ đề chính là diễn biến và kết quả của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; Quang Trung - Nguyễn Huệ với Hà Nội sau đại thắng Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.
Dưới góc nhìn khác, theo PGS-TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, trước mắt cần xây dựng lộ trình kết nối điểm đến nội đô thông qua việc mở các tour du lịch từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Gò Đống Đa - Chùa Bộc - lăng mộ Hoàng Cao Khải. Đi kèm với đó là việc chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo khu Thái Hà ấp với khu lăng mộ Khâm sai kinh lược sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải để có thể đón được du khách thăm quan kiến trúc điêu khắc đá trong khu lăng mộ đá lớn nhất Hà Nội…
Đặc biệt, theo PGS-TS Dương Văn Sáu, để phát triển du lịch thì di tích Gò Đống Đa cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm, cần có kế hoạch thường nhật tái hiện hoạt cảnh “Rồng lửa Thăng Long xung trận”, “Cuộc hành binh thần tốc giải phóng Thăng Long” hay khơi dựng “Cuộc hôn nhân lịch sử giữa anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa”.
Có thể thấy, việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị khu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa qua con đường du lịch là một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Đây là bước đi và biện pháp thích hợp trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, đây còn là giải pháp chủ đạo trên con đường đưa di sản thành tài sản, xây dựng nền kinh tế tri thức thông qua 2 quá trình “kinh tế hóa văn hóa” và “văn hóa hóa kinh tế” diễn ra đồng thời trong hoạt động du lịch.