Đề án do PGS-TS Lê Ngọc Văn làm chủ nhiệm, Sở KH-CN TPHCM nghiệm thu năm 2020 tiếp tục gợi mở những hướng hoạt động, đề xuất chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc đi vào cuộc sống.
Chính sách cho 3 lĩnh vực của đời sống gia đình
Hiện TPHCM có nhiều hoạt động triển khai Đề án xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2020-2030. Một trong số những hoạt động đó là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc. Với nhiệm vụ KH-CN “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TPHCM”, các tác giả đã tiến hành điều tra khảo sát thực nghiệm xã hội học, chọn mẫu và đi sâu phân tích về tiêu chí gia đình hạnh phúc trên 3 lĩnh vực: đời sống kinh tế, vật chất và thể chất; các mối quan hệ gia đình - xã hội; đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng. Trên cơ sở đó, dự án đề xuất bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc và gợi mở một số chính sách xây dựng gia đình hạnh phúc ở TPHCM hiện nay.
Qua khảo sát cho thấy, người dân khá hài lòng với cuộc sống gia đình của mình, tuy nhiên, mức độ hài lòng có sự khác biệt đáng kể giữa các lĩnh vực. Mức độ hài lòng cao nhất thuộc về lĩnh vực các mối quan hệ gia đình - xã hội, thấp nhất thuộc về lĩnh vực kinh tế, vật chất và thể chất của gia đình. Tương tự, các nhóm xã hội có học vấn và mức sống thấp, nhóm các gia đình công nhân, lao động tự do… có mức độ hài lòng thấp hơn so với nhóm học vấn cao, nhóm mức sống khá về các tiêu chí liên quan đến kinh tế, vật chất. Chính vì thế, chính sách nâng cao hạnh phúc gia đình cũng không giống nhau đối với các nhóm xã hội và loại hình gia đình…
Từ nghiên cứu, các tác giả đề xuất tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong lĩnh vực đời sống kinh tế, vật chất và thể chất của gia đình; các tiêu chí gia đình hạnh phúc trong lĩnh vực mối quan hệ gia đình - xã hội; các tiêu chí gia đình hạnh phúc đề xuất trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng.
Tác giả gợi mở một số vấn đề về chính sách cho 3 lĩnh vực của đời sống gia đình TPHCM và phân loại các chính sách nâng cao hạnh phúc của gia đình thành phố gồm: Nhóm chính sách bảo đảm sự sinh tồn (các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, bảo đảm công ăn việc làm cho các thành viên gia đình, thu nhập của gia đình, tích lũy tiền của gia đình để tiêu dùng lúc khó khăn); Nhóm chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình (liên quan đến các vấn đề về cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ xã hội, bảo đảm môi trường sống tự nhiên trong lành, không ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm,…); Nhóm chính sách cấp bách (liên quan vấn đề việc làm, tệ nạn xã hội, nhà ở, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống dịch vụ xã hội, thời gian lao động…) và Nhóm chính sách đặc thù (ví dụ khuyến khích sinh đẻ đối với TPHCM).
Phản ánh khả năng tác động chính sách
Việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở thành phố phản ánh khả năng tác động chính sách ở các mức độ khác nhau và hướng đến hình thành hệ thống để đo lường, giám sát các yếu tố của gia đình hạnh phúc. Để thực hiện nhiệm vụ KH-CN này, Viện Xã hội học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tiêu chí gia đình hạnh phúc trong thực tiễn TPHCM”, cho thấy nhiều ý kiến xác đáng.
Theo PGS-TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, gia đình là tế bào cơ bản của xã hội; gia đình hạnh phúc là yếu tố quyết định của một xã hội hạnh phúc. Gia đình có các chức năng cơ bản là tái sinh sản, giáo dục, kinh tế cùng nhiều chức năng khác như thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm, chăm sóc sức khỏe của từng thành viên... Do vậy, thiếu hụt một hoặc một số yếu tố nào đó có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Còn Th.S Trần Thanh Hồng Lan cho rằng, tình trạng hôn nhân của người dân thành phố đang chuyển biến theo quá trình đô thị hóa và có xu hướng kết hôn muộn, hoặc không kết hôn. Trong đó, nhiều người e ngại về việc giáo dục con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình, duy trì bữa cơm gia đình…
Về gia đình hạnh phúc, PGS-TS Lê Ngọc Văn cho rằng, đây là tập hợp những chỉ báo đặc trưng liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống gia đình, dùng để đo lường mức độ hạnh phúc. Tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở thành phố cơ bản được xác định thông qua 33 tiêu chí chỉ báo thực nghiệm liên quan đến đời sống kinh tế, vật chất, thể chất của gia đình; các mối quan hệ gia đình và xã hội; đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng. Trong đó, tiêu chí đầu tiên của gia đình hạnh phúc hiện nay là phải có sức khỏe tốt, có công ăn việc làm đầy đủ, thời gian lao động hợp lý, thu nhập ổn định và đảm bảo; phải có nơi ở (nhà riêng), tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, có ngân sách dự phòng…
Để bộ tiêu chí và những gợi mở chính sách đi vào cuộc sống, nhóm tác giả khuyến nghị những hoạt động tiếp theo: Xây dựng phương án thu thập ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội nhằm bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc của thành phố mà đề tài đã đề xuất. Triển khai thí điểm bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc tại một số phường xã tiêu biểu, sau khi bộ tiêu chí được thành phố phê duyệt để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng trên diện rộng. Việc ban hành, triển khai các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hạnh phúc của gia đình cũng cần lấy ý kiến cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách của thành phố về tính cấp thiết và mức độ ưu tiên theo trật tự trước sau của các loại chính sách |