Xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho nghề nuôi cá lồng ở Duy Ninh

Ngày 13-9, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết, nông dân xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh phát triển mô hình nuôi cá đặc sản ở nơi giao nhau của 3 dòng sông Kiến Giang - Long Đại - Nhật Lệ cho năng suất cao. Tuy nhiên, đầu ra đang là bài toán khó cần bài giải tiêu thụ hiệu quả.

Clip nông dân nuôi cá ở ngã ba sông

Cá đặc sản khu vực trên gồm cá chẻm, cá dìa đang là cách nuôi trồng thủy sản mới trên khu vực ngã ba sông này.

Chèo thuyền ra các lồng nuôi cá, ông Phạm Minh Đậu (ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết: “Tôi là người đầu tiên nuôi cá lồng ở đây. Tôi đi các tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng. Ban đầu chỉ thả vài trăm con nuôi thử, ai ngờ cá lớn nhanh, sớm cho lợi nhuận”.

Nuôi cá đặc sản ở ngã ba sông

Nuôi cá đặc sản ở ngã ba sông

Theo ông Phạm Minh Đậu, khu vực ông nuôi cá lồng là đoạn ngã ba sông, giao giữa các sông Kiến Giang - Long Đại - Nhật Lệ nên có dòng nước lợ, phù hợp với nuôi các loài cá chẽm, cá dìa, cá chình...

Sau vụ đầu thành công, ông Đậu vay thêm ngân hàng chính sách huyện 50 triệu đồng, mở rộng 9 lồng cá, thả 3.000 con cá giống.

Ngã ba sông Kiến Giang, Long Đại, Nhật Lệ

Ngã ba sông Kiến Giang, Long Đại, Nhật Lệ

Sau 6 tháng, cá đạt trọng lượng và bán với giá 100 – 120 ngàn đồng/kg cá chẻm và 300 – 320 ngàn đồng/kg cá dìa. Thu lợi 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Từ đó, ông Đậu chỉ cách cho bà con địa phương cùng nuôi. Đến nay, đã có 22 hộ dân nuôi hơn 60 lồng cá ở ngã ba sông này.

Cá nuôi ở các lồng lớn nhanh do luồng nước chảy mạnh, thức ăn dồi dào

Cá nuôi ở các lồng lớn nhanh do luồng nước chảy mạnh, thức ăn dồi dào

Ông Phạm Văn Thông (thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết, được sự chỉ dẫn của ông Đậu, gia đình ông đã vay vốn đầu tư 10 lồng nuôi cá, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, hiện tại, dù sản lượng cá tăng trưởng tốt nhưng đầu ra đang gặp khó do lượng tiêu thụ chưa được ổn định. Theo ông Phạm Minh Đậu, bà con hiện đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ cá và mong muốn chính quyền địa phương sớm xây dựng thương hiệu “cá lồng Duy Ninh” để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận gần hơn với khách hàng.

Ông Phạm Minh Đậu, người đầu tiên nuôi cá đặc sản ở ngã ba sông

Ông Phạm Minh Đậu, người đầu tiên nuôi cá đặc sản ở ngã ba sông

Trước mong muốn chính đáng này, ông Phạm Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho biết, hiện chính quyền địa phương dành sự quan tâm lớn đến việc phát triển nghề nuôi cá lồng. Thời gian tới, xã sẽ trao đổi cụ thể với bà con để xây dựng thương hiệu cá lồng Duy Ninh, nghĩ xa hơn nữa là phải đạt chuẩn OCOP từ sản phẩm này để nâng cao uy tín, tiếp cận gần hơn với khách hàng, tạo đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Tin cùng chuyên mục