Theo quy hoạch được duyệt, trong tương lai, huyện Cần Giờ sẽ trở thành một cực phát triển kinh tế mạnh của TP về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, dịch vụ, resort, khách sạn...; hướng tới một khu vực kinh tế tri thức, thu hút hoạt động khoa học, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo phục vụ hoạt động kinh tế công nghệ cao...
UBND TPHCM lưu ý, đồ án quy hoạch cần tạo các không gian mở, kết nối các khu vực quy hoạch với hệ thống cây xanh sinh thái, mặt nước, khai thác ưu thế về điều kiện môi trường tự nhiên; nghiên cứu giải pháp quy hoạch cho việc bố trí khu vực nhà tái định cư và nhà ở xã hội, phù hợp với sự thống nhất của quy hoạch tổng thể; phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Phối hợp các nguồn lực kinh tế - xã hội vùng; xác định bán kính tiểu vùng TPHCM lấy Cần Giờ làm trung tâm tiểu vùng, đề ra các giải pháp thực thi; bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, xây dựng thương hiệu rừng Cần Giờ như là Amazon của Việt Nam; tích hợp hài hòa giữa các yếu tố di sản, hiện hữu và yếu tố mới; đề xuất các giải pháp chuyển đổi sinh kế, không gian văn hóa,… cho người dân góp phần hòa nhập vào tình hình mới.