Đây là vấn đề không mới. Khoảng 15 năm trước khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh, Chính phủ đã có chỉ đạo xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với 3 nội dung chính là: xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, hải đảo.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan, chương trình này đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong những năm qua, giúp hàng Việt Nam trụ vững và phát triển ở các thị trường EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đồng thời khai thác thêm được nhiều thị trường mới ở Mỹ La tinh, Trung Đông và châu Phi…
Tuy nhiên, các bộ ngành cũng thẳng thắn thông tin, hàng nông lâm thủy sản Việt chủ yếu vẫn xuất thô. Trong bài viết “Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản: Ít tinh, lắm thô” đăng trên báo SGGP ra ngày 27-2-2024, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cho biết, mới chỉ có khoảng 10% tổng sản lượng thu hoạch nông lâm thủy sản được chế biến sâu.
Điều này có nghĩa, hầu hết nông lâm thủy sản Việt Nam mới chỉ ở dạng nguyên liệu thô. Chưa hết, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa xây dựng được tên tuổi trên thị trường quốc tế. Hàng hóa chưa có tên tuổi, doanh nghiệp bán hàng cũng chưa có tên tuổi nên kết quả không thể khác… là giá bán không thể cao được.
Tồn tại này đã được “nhìn ra” từ nhiều năm trước, nhưng sao chưa có sự thay đổi đáng kể? Hiện nay, khoảng 70% người dân Việt Nam vẫn sống bằng nghề nông, nuôi trồng thủy hải sản. Nếu nông lâm thủy sản không xuất bán được giá tốt, làm sao nông dân có thu nhập tốt? Như chính nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thông tin trên Báo SGGP ngày 28-2-2024 trong bài viết tiếp tục về Chế biến nông lâm thủy sản, trong chuỗi giá trị nông sản, khâu có lợi nhuận thấp nhất là nuôi trồng, chỉ chiếm khoảng 12%-13% tổng giá trị gia tăng của nông sản. Hơn 80% giá trị còn lại nằm ở trong khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, bán hàng… Tiếc rằng, khâu tạo ra nhiều giá trị nhất lại là khâu yếu nhất của Việt Nam!
Bao giờ điều này được khắc phục? Chính xác là đã 14 năm kể từ khi Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được thực hiện theo Quyết định 72/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc ban hành quy chế quản lý và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia… Một khoảng thời gian đủ để có những bước đi căn cơ làm thay đổi thực trạng “Ít tinh, lắm thô” của nông lâm thủy sản Việt.
Muộn còn hơn không… theo nhiều chuyên gia kinh tế, các bộ ngành liên quan như Công thương, NN-PTNT, Tài chính… nên ngồi lại để xây dựng chính sách đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động chế biến, quảng bá thương hiệu và bán hàng nông lâm thủy sản Việt. Phải đặt cho được mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu hàng nông lâm thủy sản Việt có uy tín trên thế giới. Việc này không chỉ giúp nâng tầm giá trị hàng Việt mà còn giúp tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là giúp nông dân Việt có đời sống tốt hơn, ổn định hơn, không phải thấp thỏm lo “được mùa mất giá”.