Bài học từ các thương hiệu dẫn dắt
Theo bà Trần Tuệ Tri, cố vấn và đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose, để có thể dẫn dắt và thay đổi thói quen của người tiêu dùng (NTD), DN cần tập trung vào NTD thông qua sáng tạo sản phẩm, dịch vụ đi kèm với các chiến dịch quảng bá rộng khắp giúp người dùng nhận biết. Bà Tri khẳng định, chỉ khi tạo ra xu hướng dẫn dắt thì DN mới có thể tạo thành thói quen tiêu dùng mới và điều này sẽ giúp DN phát triển kinh doanh ở quy mô lớn hơn, sâu xa hơn là sự phát triển bền vững.
Thực tế ở TPHCM, trong suốt thời gian qua, đã có nhiều DN ở các lĩnh vực đang tạo ra xu thế dẫn dắt, giúp thay đổi thói quen tiêu dùng. Trong đó, ở lĩnh vực sản xuất có các tên tuổi như Công ty CP Tập đoàn Thiên Long với việc tạo ra các dòng bút bi tái chế; Công ty CP Kết nối thời trang Faslink có dòng sợi vải tái chế từ bã cà phê, sợi sen, sợi bạc hà hay như Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn có sản phẩm nổi bật là nước hoa Miss Sài Gòn và các dòng dầu gội thảo mộc dưỡng sinh…
Còn ở lĩnh vực bán lẻ, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) là một ví dụ điển hình khi đã tạo thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng, giúp nhà bán lẻ này tự tin đứng vững trên thị trường đầy cạnh tranh. Theo đó, năm 2010 nhà bán lẻ này đã phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động Chiến dịch tiêu dùng xanh với mục tiêu hướng tới hỗ trợ cộng đồng nhận diện rõ sản phẩm của các DN thực hiện tốt bảo vệ môi trường. Bằng việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm xanh, NTD đã góp phần thúc đẩy hình thành thị trường cạnh tranh công bằng hơn cho DN, đặc biệt là những DN có trách nhiệm bảo vệ môi trường, có nhiều nỗ lực đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững. Tiếp đến, năm 2019, nhà bán lẻ này đã tuyên bố ngưng kinh doanh ống hút nhựa trên quầy kệ và thay bằng ống hút giấy, ống hút inox, thép an toàn, thủy tinh dành cho cá nhân có thể sử dụng nhiều lần.
Những hoạt động này của Saigon Co.op không chỉ góp phần tạo ra xu hướng tiêu dùng cho người dân mà còn tạo áp lực buộc các DN sản xuất phải thay đổi. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, ghi nhận tại các điểm bán của Saigon Co.op cho thấy, số lượng chuyển đổi của DN sang hướng thân thiện môi trường trong 5 năm qua tăng khoảng 30% so với trước. Mới đây nhất, Saigon Co.op cũng là nhà bán lẻ đầu tiên công bố quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm gắn với mã số vùng trồng nhằm đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và an toàn, đồng thời giúp nhà sản xuất ổn định đầu ra.
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, việc phát triển vùng nguyên liệu không chỉ đánh dấu bước tiến chiến lược của Saigon Co.op mà còn khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành bán lẻ hàng tiêu dùng Việt Nam của đơn vị này. Bởi lẽ đây là yếu tố then chốt để đảm bảo nguồn cung ổn định cho nhà phân phối, mang lại cho NTD nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, phát triển vùng nguyên liệu bền vững còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hướng đến xây dựng thương hiệu quốc gia
Dù TPHCM đang có những thương hiệu đủ tầm dẫn dắt song chưa nhiều bởi thành phố vẫn còn trên 90% DN là DN nhỏ, siêu nhỏ. Ở những DN này, việc xây dựng thương hiệu tạo xu hướng rất khó, do thiếu tiềm lực tài chính, công nghệ. Chẳng hạn trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM từng nhiều lần chia sẻ, xu hướng phải sản xuất xanh, bền vững thì DN mới được thị trường chấp nhận, đặc biệt là ở các quốc gia mà DN Việt đang xuất khẩu là Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, rất nhiều DN đang loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu vì vốn mỏng, thiếu và yếu về quản trị.
Trước những thách thức mà DN đang phải đối mặt, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), cho biết, vừa qua, UBND TPHCM phân công Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố chủ trì phối hợp Sở Công thương TPHCM xây dựng “Đề án xây dựng một số DN lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, hiệp hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất đặt hàng nghiên cứu xây dựng các chính sách đột phá nhằm xây dựng thương hiệu DN mang tầm quốc gia và toàn cầu trên địa bàn TPHCM. Kết quả của nhiệm vụ không chỉ là cơ sở khoa học để tham mưu thành phố trong “Đề án xây dựng một số DN lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu” mà còn là cơ sở thực tiễn để áp dụng triển khai đến các DN lớn và DN vừa có tiềm năng. “Với xu hướng phát triển bền vững, sức mạnh của thương hiệu có thể tạo ra tác động mãnh liệt hơn khi thương hiệu có thể dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi NTD hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững. Chỉ khi có sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng sâu rộng, trọng tâm chiến lược phát triển bền vững mới được hiện thực hóa và việc chuyển đổi mới có tác động kinh tế cả theo chiều rộng và chiều sâu”, ông Hòa khẳng định.