Như đánh giá của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước về các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng. Hiện các mặt hàng nông sản của tỉnh này đang cung ứng chủ yếu ở thị trường TPHCM với tỷ lệ 50%/80% tổng sản lượng cung ứng tại thị trường nội địa. Với điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Lâm Đồng hiện có khoảng 85 loại sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, trong đó hơn 40 loại sản phẩm đặc trưng.
Đến nay, Lâm Đồng đã xây dựng được 21 thương hiệu, trong đó 18 nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền, gồm 10 nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”: Sản phẩm cà phê Arabica, rau và hoa; Cà phê Cầu Đất Đà Lạt, Dứa cayenne Đơn Dương, Mác mác Đơn Dương, Trà B’Lao, Cà phê Di Linh, Tơ lụa Bảo Lộc, Sầu riêng Đạ Huoai, Diệp hạ châu Cát Tiên, Gạo nếp quýt Đạ Tẻh. 8 nhãn hiệu tập thể: Lúa gạo Cát Tiên, Rượu cần Lang biang, Chuối Laba, Nấm Đơn Dương, Cá nước lạnh Đà Lạt, Bánh tráng Lạc Lâm, Mây tre đan Madagui, Cồng chiêng Langbiang. Bên cạnh đó, 2 nhãn hiệu chứng nhận Dâu tây Đà Lạt, Hồng Đà Lạt và 1 nhãn hiệu tập thể Rượu Cát quế Bảo Lâm đang đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương như cách làm của tỉnh Lâm Đồng là một trong những biện pháp bảo vệ các ngành hàng; đồng thời giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cần thiết khi lựa chọn hàng hóa mua sắm.