Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt - Việc cần làm ngay - Bài 4: Kiến tạo “bệ phóng” cho thương hiệu Việt

Không phải ai khác, mà chính doanh nghiệp phải có ý thức đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của chính mình. Tất nhiên, trong quá trình đó không thể thiếu vai trò hỗ trợ, định hướng bằng cơ chế chính sách của Nhà nước.

Thiếu giải pháp

Sự phát triển nội tại của từng doanh nghiệp, cùng lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã tạo ra tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong nhiều năm, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia thương mại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt còn khiêm tốn. Chưa kể, thương hiệu Việt định vị được vị thế, có khả năng chi phối trên thị trường toàn cầu còn ít hơn rất nhiều.

!1a.jpg
Thu hoạch nông sản chờ đóng gói xuất khẩu tại Hợp tác xã Anh Đào, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Bộ Công thương, hiện có 4 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc phát triển thương hiệu cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tại chính thị trường nội địa, tâm lý ưa chuộng hàng ngoại vẫn phổ biến trong số đông người tiêu dùng. Thông qua hiệp định thương mại được ký kết, giá hàng ngoại nhập khá tiệm cận với hàng Việt trong nước nên thu hút sự quan tâm, ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng trong nước hơn. Các cơ chế chính sách cần thiết nhằm hỗ trợ phát triển, mở rộng kênh phân phối hàng Việt chưa nhiều. Trong khi đó, những hệ thống phân phối hiện tại đang có nguy cơ thu hẹp do bị doanh nghiệp nước ngoài “thâu tóm”. Hàng Việt tuy chất lượng đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng do 90% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu nội lực dành cho công tác xúc tiến thị trường, nhất là xây dựng và phát triển thương hiệu nên thông tin đến người tiêu dùng hạn chế.

Nhận thức tầm quan trọng về vấn đề trên, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết, Bộ Công thương đã chỉ đạo tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm hiểu cách thức đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu, đồng thời tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp trong nước thực hiện trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Mặt khác, cùng với xây dựng thương hiệu, giải pháp đưa hàng Việt gắn kết thương hiệu đến tay người tiêu dùng cũng được chú trọng. Theo đó, Thương vụ Việt Nam đã làm việc với từng hệ thống phân phối để hỗ trợ hàng Việt có mặt trên quầy kệ siêu thị hoặc cửa hàng ảo trên sàn thương mại điện tử.

Trước đó, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã bắt tay làm việc với từng địa phương nhằm triển khai chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương OCOP. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp dù quy mô nhỏ và vừa tạo dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường xuất khẩu. “Việc xuất khẩu hàng hóa không quá khó với doanh nghiệp nhỏ nếu chọn hình thức thương mại điện tử. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp chuẩn chỉnh thương hiệu và chất lượng là có thể đưa hàng ra thị trường toàn cầu”, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh.

Đồng bộ từ sản xuất đến phân phối

Nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam chỉ ra, có đến 77% số khách hàng đưa ra quyết định mua sắm dựa vào thương hiệu. Những khách hàng yêu thích thương hiệu sẽ tạo ra một tình cảm gắn bó dẫn đến lòng trung thành cao hơn, tăng lợi nhuận và quảng cáo truyền miệng tích cực cho doanh nghiệp. Khoảng 43% số khách hàng chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm từ các thương hiệu mà họ trung thành. Một thương hiệu công ty lâu đời, được biết đến rộng rãi có thể tác động tích cực đến doanh số bán hàng và đòi hỏi ít nỗ lực tiếp thị hơn để bán sản phẩm và dịch vụ cho một thị trường mới. Những con số “biết nói” trên đã phần nào cho thấy giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp.

!5a.jpg
Chế biến xoài tại Công ty B'Lao Food (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Do vậy, đầu tư cho thương hiệu chính là trực tiếp hoặc gián tiếp gia tăng nội lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, hàng Việt tại thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Đây cũng chính là xây dựng nội lực mềm cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những thương hiệu Việt tiêu biểu không chỉ là những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của hàng Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, là nguồn động lực mới cho hàng Việt Nam phát triển vững mạnh và vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế.

“Sản phẩm Việt chỉ mới nhắm vào dòng sản phẩm phục vụ cho người Việt ở thị trường nước ngoài mà chưa có nhiều sản phẩm được nghiên cứu, chế biến phục vụ phù hợp cho thị hiếu người tiêu dùng quốc gia xuất khẩu… Do vậy, cùng với những giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, doanh nghiệp nên chủ động chuyển đổi mình để phù hợp xu hướng thương mại mới của thị trường. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc. Tuy nhiên, sản phẩm Việt đến được tay người tiêu dùng toàn cầu cần xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm phù hợp thị hiếu người dùng trên toàn thế giới”, ông Aly Ansari, Tổng Giám đốc Walmart Việt Nam, chia sẻ.

Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, do phải nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất, chiếm 60%/tổng lượng nguyên liệu sản xuất trong nước, đã đẩy doanh nghiệp Việt vào tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất nên rất khó làm chủ năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải chấp nhận gia công sản phẩm cho đối tác. Không dừng tại đó, nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam yếu, doanh nghiệp phải xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử nước ngoài nên tính phụ thuộc cao, dễ bị “bóp” tương tác nên cũng gây khó cho doanh nghiệp trong nước về lâu dài.

Do vậy, Bộ Công thương nên sớm đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử quốc gia để hỗ trợ nội lực cho hàng Việt có thương hiệu xuất khẩu. Riêng về phía Bộ NN-PTNT, cùng những chính sách hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp xây dựng thương hiệu, cần thiết phải tính đến quy hoạch vùng trồng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, kết hợp hỗ trợ thu hút đầu tư chế biến sâu. Giải pháp này là cơ sở rất quan trọng để doanh nghiệp trong nước giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài, tiến tới giảm tỷ lệ gia công trong cơ cấu thành phẩm. Có thể nói, Việt Nam có nhiều lợi thế về thương mại với các thị trường Bắc Mỹ, ASEAN và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, cùng với việc hỗ trợ kết nối với hệ thống phân phối toàn cầu, Bộ Công thương còn triển khai giải pháp hỗ trợ thương hiệu Việt sâu hơn. Cụ thể, yêu cầu các thương vụ nước ngoài làm việc, nắm bắt nhu cầu cung ứng của hệ thống phân phối toàn cầu với từng nhóm hàng hóa. Dựa trên cơ sở đó, bộ làm việc với từng địa phương, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp có nhóm hàng phù hợp, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp hoàn chỉnh tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu, quy cách mẫu mã theo đúng yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Cuối cùng là tổ chức hoạt động xúc tiến kết nối giao thương trực tiếp giữa đối tác nhập khẩu với doanh nghiệp cung ứng trong nước nhằm gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Trong những năm gần đây, Việt Nam dần trở thành điểm đến của quá trình dịch chuyển sản xuất từ Đông Bắc Á, và nổi lên trở thành trung tâm sản xuất then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Xét về chuỗi sản phẩm, Việt Nam có nhiều lợi thế về chi phí lao động, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ chốt và đã phát triển chuỗi cung ứng mang tính kết nối với thị trường toàn cầu.

Vấn đề còn lại là hàng hóa của doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà yếu tố quan trọng đầu tiên là vấn đề thương hiệu. Tập đoàn Miniso hiện mong muốn kết nối xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam với nhu cầu sản phẩm trên toàn cầu. Chúng tôi tin rằng, sản phẩm Việt đang có chất lượng cao, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng toàn cầu”, ông Herman Xu, Tổng Giám đốc phụ trách chất lượng, Tập đoàn Miniso, khẳng định.

Chính sách hỗ trợ vốn từ phía Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính, tín dụng trong nước cần phải phù hợp và tương thích với các nước trong khu vực, sớm chấm dứt tình trạng doanh nghiệp trong nước đang phải vay vốn đầu tư với lãi suất vay cao hơn gấp 2-3 lần so với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Có như vậy doanh nghiệp tiến tới cải thiện nội lực nội sinh, tự chủ sản xuất sản phẩm kết hợp phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm Việt tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục