Nơi hội tụ nhiều lợi thế
Thủ Đức là thành phố có vị trí rất quan trọng, là cửa ngõ tiếp giáp với các địa phương năng động vùng Đông Nam bộ và giữ vai trò kết nối với sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). TP Thủ Đức có hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các địa phương lân cận. Nơi đây cũng thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu); đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, Bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.
Hơn thế nữa, sự tương tác giữa các cực tăng trưởng là Khu Công nghệ cao TPHCM, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM và Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm là đòn bẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, đô thị sáng tạo cho thành phố Thủ Đức.
SHTP thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm CNC, như Intel, Nidec, Samsung... với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước. Tổng số lao động chỉ chiếm chưa đến 1% so với tổng số lao động của TPHCM nhưng SHTP đóng góp giá trị xuất khẩu chiếm đến 37% của thành phố; năng suất lao động gấp 6,6 lần so với năng suất lao động bình quân các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, gấp 16,6 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước.
Khu ĐHQG TPHCM có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại, tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu với 10.000 giảng viên, hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và khoảng 100.000 sinh viên. ĐHQG TPHCM cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn kết nối thuận tiện với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, cơ bản đã hình thành khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc với chức năng chính là trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.
Ba nền tảng trên gắn kết với nhau sẽ tạo ra sức bật phát triển mới, tạo động lực mạnh mẽ để TP Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, hình thành khu vực dẫn dắt kinh tế mới với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI).
Với tiềm năng vốn có, TP Thủ Đức phải phát triển không chỉ nghiên cứu mà còn tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, đóng góp cho nền kinh tế. Các ngành cần nhận thức rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại ở những nghiên cứu cơ bản mà phải trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp đối với nền kinh tế TPHCM.
Những thách thức cần vượt qua
Tuy nhiên, TP Thủ Đức cũng đang đối mặt với một số khó khăn, bất cập cần phải giải quyết kịp thời trên con đường phát triển thành đô thị sáng tạo tầm cỡ. Bởi lẽ cho đến nay, ngành khoa học công nghệ trên địa bàn dù có nguồn lực lớn nhưng khả năng ứng dụng vào thực tiễn chưa cao. Ngay cả Khu Công nghệ cao TPHCM, số lượng lao động phổ thông còn chiếm tỷ lệ lớn.
Tiềm lực khoa học công nghệ của TPHCM rất lớn; Đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành luôn ở mức cao nhưng trong chừng mực nào đó, chúng ta chưa tạo ra cơ chế, chính sách để tận dụng được. Đơn cử với việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của chính quyền TPHCM, nhiều nơi còn chưa hiểu rõ, hiểu đúng về nội dung này. Đối với các doanh nghiệp, tỷ lệ đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2016-2020 toàn thành phố chỉ đạt hơn 40%.
Đó còn chưa nói đến quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi. Giao thông chưa an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là trong giờ cao điểm tại các khu vực đầu mối. Tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, quản lý quỹ đất dành cho giao thông còn nhiều bất cập. Giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, chưa phát triển hệ thống và thói quen sử dụng giao thông công cộng và đi bộ. Tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu ngày càng tăng, hiện có khoảng mười vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường.
Cần sự hỗ trợ về thể chế
Quá trình xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao tại TP Thủ Đức trên cơ sở hạ tầng thuận lợi, với nhiều ưu thế được kỳ vọng trong việc thực hiện các đổi mới sáng tạo. Việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của thành phố.
Đô thị sáng tạo cần một không gian sáng tạo, và một quy trình thúc đẩy những ý tưởng mới, cũng như khả năng đưa các ý tưởng đó vào cuộc sống. Nói cách khác, đô thị sáng tạo muốn thành công, cần sự hỗ trợ về mặt thể chế.
Theo đó, việc cấp phép tổ chức các hội thảo khoa học cần phải được đơn giản hơn về các thủ tục hành chính dài dòng, visa và lưu trú đối với các nhà khoa học nước ngoài khi đến dự hội thảo, nghiên cứu, hợp tác tại đô thị sáng tạo. Thêm vào đó, cần có cơ chế miễn, giảm thuế đối với việc nhập khẩu một số thiết bị công nghệ cao trong 20 năm đầu phát triển đô thị sáng tạo. Từ đó tạo sự thu hút nhiều hơn với các nhà đầu tư. Cần xây dựng một không gian đáng sống cho không chỉ cho các kỹ sư tài năng mà cả cho gia đình của họ.
Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, xã hội như bệnh viện cao cấp, trường học cao cấp, khu vực vui chơi giải trí cao cấp...
TP cần tạo ra nhiều nguồn lực hơn phần lớn các khoản đầu tư hiện tại vào cơ sở hạ tầng bằng việc khai thông những tiềm năng của nguồn tài sản công đang còn tiềm ẩn. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, hầu hết các đô thị này sẽ có thể tăng hơn gấp đôi nguồn vốn đầu tư của họ thông qua việc sử dụng tài sản thương mại một cách khôn ngoan hơn. Tối ưu hóa giá trị của tài sản công thông qua quản lý tốt hơn có thể tạo ra nguồn vốn lớn thay cho việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc nợ công. Đây là một nguồn tài chính quan trọng cho các dự án đô thị sáng tạo, đô thị thông minh của thành phố.
Đề án đề xuất các nhóm giải pháp cốt lõi cần được triển khai đồng bộ về quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch kinh tế - xã hội, ban hành các quy định quản lý và hướng dẫn thực thi trên nhiều lĩnh vực liên quan đô thị, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, thiết kế công trình thân thiện môi trường… Đồng thời, rà soát, đánh giá, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên-môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách tổng thể về tài chính đô thị dựa trên những mục tiêu quy hoạch và phát triển hạ tầng các khu trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số đối với công trình hạ tầng giao thông; công trình hạ tầng xã hội.
Thành phố cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế, thiết lập các chương trình đào tạo kỹ thuật. Cùng với đó, thành phố cần triển khai giải pháp xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, xác định các lĩnh vực chính để có chính sách kích cầu, thu hút phát triển các ngành kinh tế sáng tạo mà thành phố xác định lựa chọn.
Song song đó, cần thực hiện được vai trò kết nối Nhà nước với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Sản phẩm nghiên cứu về công nghệ cần được ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa giúp đem lại giá trị.