Xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu

Sáng 7-10, hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2024).

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Về phía TP Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và đại diện các sở, ban, ngành của thành phố. Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu, gồm lãnh đạo các cơ quan trung ương, lãnh đạo một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học; một số tổ chức quốc tế…

2.jpg
Hội thảo quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu ”

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi, làm rõ các nội dung, như: đánh giá ý nghĩa trọng đại của Ngày Giải phóng Thủ đô, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí, quyết tâm và sức mạnh của quân và dân Thủ đô trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc; phân tích những thành tựu đạt được của Thủ đô trong gần 40 năm đổi mới; xác định vị trí, vai trò, sứ mệnh của Thủ đô Hà Nội với cả nước; khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với quá trình xây dựng và phát triển thành phố; tiếp tục phân tích, làm rõ những tiêu chí cụ thể trong định hướng phát triển Thủ đô với tầm nhìn mới, tư duy mới; đặc biệt là những cơ hội mới khi Hà Nội triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và thực hiện Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

1.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, 70 năm qua, từ thực tiễn xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã dệt kết nên những bài học kinh nghiệm quý báu.

Đó là không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, sự năng động, sáng tạo và vị thế của Thủ đô qua các thời kỳ; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động hiệu quả mọi nguồn lực to lớn của Hà Nội; tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; thường xuyên chăm lo, xây dựng Đảng bộ Hà Nội thật sự trong sạch, vững mạnh, ngay từ cơ sở; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Những bài học đó khẳng định, sự quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội là đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Thủ đô; kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng cùng với sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân Thủ đô là cội nguồn sức mạnh vô cùng to lớn; tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” là biểu tượng cho nỗ lực quyết tâm vượt khó, ý chí phát triển và khát vọng vươn lên của Thủ đô Hà Nội, của đất nước và con người Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, cùng với cả nước, Hà Nội đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới; khẳng định vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; định vị trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bằng những danh xưng cao quý: Hà Nội văn hiến và anh hùng, niềm tin và hy vọng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; xứng đáng với sự quan tâm sâu sắc và những phần thưởng, danh hiệu cao quý nhất mà Đảng và Nhà nước trao tặng.

Điều đó mang đến những cơ hội mới, động lực mới để Hà Nội hoàn thành mục tiêu đến năm 2030: là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045: là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; như đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển Thủ đô Hà Nội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, và là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Vận hội mới của đất nước cũng chính là vận hội mới cho Thủ đô. Tầm nhìn mới của Thủ đô sẽ góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” cùng “tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội” để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng gợi mở, chia sẻ một số vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, trao đổi trong quá trình thảo luận nhằm thúc đẩy Hà Nội phát triển hơn nữa. Trong đó, Hà Nội phải tiếp tục đi đầu cả nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; gắn kết hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa, để văn hóa, con người là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và là động lực phát triển Thủ đô.

Là nơi có trọng trách giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, mỗi bước đi của Hà Nội đều thể hiện sự vận dụng đúng đắn, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới. Trong sự bứt phá, vươn lên, văn hóa là yếu tố nền tảng để Hà Nội vững bước đi lên, bảo đảm sự phát triển bền vững và thành công.

Tin cùng chuyên mục