Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện thể chế về thị trường lao động, về lương thưởng, cơ hội học tập và phát triển cá nhân, cũng như môi trường làm việc...
Mức lương và các khoản thưởng không chỉ cung cấp một cuộc sống thoải mái hơn và cơ hội tiết kiệm hay đầu tư cho tương lai của NLĐ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc công nhận giá trị lao động của NLĐ từ phía doanh nghiệp; tạo ra động lực và cam kết trong công việc, cũng như đánh giá sự thành công và tiến bộ. Cơ hội thăng tiến và phát triển cũng là một yếu tố quan trọng mà NLĐ quan tâm. Thăng tiến không chỉ đơn giản là việc được đề bạt lên cấp bậc cao hơn trong đơn vị, mà còn là một phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực và cam kết của mỗi cá nhân.
Có lẽ đã đến lúc cần có sự thay đổi trong quan niệm phổ biến về vấn đề “nhảy việc” thường xuyên của NLĐ hiện nay. Trong tình hình thị trường lao động năm 2024 đầy biến động, việc hiểu rõ và đáp ứng đúng nhu cầu của NLĐ được coi là chìa khóa quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài.
Mặc dù mức lương và các khoản thưởng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng cơ hội phát triển, đảm bảo công việc dài hạn và môi trường làm việc tích cực cho các cán bộ, nhân viên cũng không kém phần quan trọng. Nếu nghiên cứu về lĩnh vực này, chúng ta sẽ nhận thấy phải giải quyết 2 nhiệm vụ. Trước hết, phải xây dựng được một thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại.
Tính hiện đại ở đây phải bảo đảm các yếu tố: thể hiện thể chế về cơ chế chính sách và về thị trường lao động; đáp ứng được nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực tăng lên; đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các lĩnh vực trong nước trong quá trình hội nhập; chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
Tiếp đến, là phải giải quyết được chất lượng thị trường lao động, bởi vì chất lượng thị trường lao động sẽ giải quyết việc làm bền vững. Giải quyết việc làm bền vững sẽ đáp ứng cho vấn đề việc làm theo quyền của con người, như học nghề, tự tạo việc làm, tự chọn nơi làm việc.
Việc xây dựng thị trường lao động chất lượng và ổn định không chỉ tạo ra việc làm bền vững mà còn giúp đảm bảo có thu nhập hợp lý, có chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm các chức năng sau này khi NLĐ rời khỏi thị trường lao động.
Tăng mức lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1-7-2024 không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống của NLĐ mà còn đóng góp vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế quốc gia; đồng thời quyết định này cũng thể hiện sự nhất quán trong chính sách tiền lương của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững trong tương lai. Nhà ở xã hội cho NLĐ có thu nhập thấp là một quyết sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với NLĐ.
Trong điều kiện cơ hội và thách thức đan xen, rất cần sự quan tâm toàn diện của Nhà nước, doanh nghiệp và sự đồng lòng hợp sức của NLĐ để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hài hòa, ổn định, phát triển bền vững và hội nhập.