Benjamin Rosloff từng là thực tập sinh tại Văn phòng Thị trưởng thành phố New York dành cho người khuyết tật. Những thước phim tài liệu do anh sản xuất về người khuyết tật trong thành phố đã được trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế. “Ben là người tích cực, thân thiện, anh ấy luôn mang đến nhiều năng lượng và nhiệt huyết trong công việc”, “những kiến thức bách khoa của Ben luôn làm tôi ngạc nhiên và ấn tượng”... là những nhận xét đồng nghiệp dành cho anh.
Năm 2016, Benjamin Rosloff có cơ hội đến trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) và phỏng vấn Tổng Thư ký LHQ khi đó là ông Ban Ki-moon về nhiều vấn đề (ảnh), trong đó có chứng tự kỷ. Anh khẳng định “chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có cơ hội thảo luận với Tổng Thư ký LHQ về những vấn đề cấp bách ảnh hưởng tới hàng tỷ người trên thế giới”. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Ban Ki-moon đã nhắc tới thực tế “một số xã hội kỳ thị, xa lánh những người mắc chứng tự kỷ. Đó là sự vi phạm quyền con người tồi tệ”. Quyết tâm làm việc và hòa nhập xã hội của anh Benjamin Rosloff góp phần tạo nguồn cảm hứng, động viên hơn 70 triệu người (khoảng 1% dân số thế giới) mắc chứng tự kỷ.
Đó chính là lý do LHQ chọn chủ đề của Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2-4) năm nay là “Hòa nhập tại nơi làm việc: Những thách thức và cơ hội trong một thế giới sau đại dịch”. Trong thông điệp nhân dịp này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, khi thế giới đang cùng hợp tác để phục hồi sau đại dịch, một trong những mục tiêu chính là cần xây dựng một thế giới hòa nhập và dễ tiếp cận hơn, công nhận sự đóng góp của tất cả mọi người, bao gồm người khuyết tật.
Theo ông Antonio Guterres, những nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch mang đến cơ hội để hình dung về một nơi làm việc đa dạng, hòa nhập và bình đẳng có thể trở thành hiện thực. Sự phục hồi cũng là cơ hội để xem xét lại hệ thống giáo dục và đào tạo, đảm bảo những người mắc chứng tự kỷ có đủ khả năng nhận ra tiềm năng của họ. Với những người mắc chứng tự kỷ, việc tiếp cận với công việc tốt trên cơ sở bình đẳng đòi hỏi phải tạo ra một môi trường làm việc phù hợp, toàn diện, thuận lợi - nơi những người tự kỷ không phải lo lắng vì bị phân biệt đối xử, nơi họ có thể bộc lộ hết những khả năng tiềm ẩn của mình để thực sự không ai bị bỏ lại phía sau trong chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.