Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước. Do đó, điều dễ hiểu là chính quyền cấp trung ương lẫn chính quyền TPHCM phải luôn trăn trở, suy nghĩ về các giải pháp để thúc đẩy cho sự phát triển của thành phố. Nhiều giải pháp mang tính kỹ thuật đã được đưa ra như cải cách hành chính, cải thiện chất lượng phục vụ của nền hành chính công vụ, tăng thêm quyền tự quyết cho chính quyền thành phố…
Những giải pháp này rất quan trọng, nhưng về lâu dài, chính quyền cần có chiến lược để biến thành phố trở thành một nơi giàu mạnh về vốn xã hội và tâm lý, vốn là những yếu tố sẽ giúp cho thành phố phát triển lâu dài và bền vững hơn.
Khi nói đến vốn xã hội (social capital), các nhà nghiên cứu thường xác định nó là sự tin cậy giữa người với người trong một cộng đồng nói riêng hay xã hội nói chung. Sự tuân thủ các chuẩn mực đạo đức xã hội, pháp luật, chia sẻ những giá trị chung của xã hội và sự gắn kết giữa con người với con người trong cộng đồng mà chúng ta có thể hiểu nôm na là các mạng lưới xã hội (social networks).
Như vậy, nếu thành phố chúng ta tạo dựng được vốn xã hội mạnh thì điều đó có nghĩa là sự tin cậy giữa người dân với người dân, sự tin cậy của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền càng mạnh. Khi tất cả các bên đều tin cậy vào nhau thì lẽ đương nhiên là mọi công việc, mọi mục tiêu sẽ đạt được một cách nhanh chóng.
Khi thành phố có được vốn xã hội mạnh, cũng có nghĩa là mọi người sẽ tự nhiên hành động theo những chuẩn mực đạo đức và pháp luật mà không cần phải dùng đến những cưỡng chế, chế tài của luật pháp; không cần phải sao y chứng thực giấy tờ quá nhiều để “chứng minh” những chuyện đương nhiên. Một xã hội không mất nhiều thời gian để kiểm tra, xử phạt thì tất nhiên sẽ có nhiều thời gian và nguồn lực để làm việc, thúc đẩy cho sự phát triển nhanh hơn.
Một thành phố có vốn xã hội mạnh là nơi mà mỗi người dân đều cảm thấy mình được thuộc về, được gắn bó với cộng đồng, họ không bị rơi vào cảm giác bị loại trừ, bị gạt ra bên lề và do đó họ sẽ dấn thân cho các hoạt động vì lợi ích chung dễ dàng hơn.
Một thành phố có vốn xã hội mạnh mẽ như thế thì có giúp ích gì cho phát triển kinh tế không? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có mối tương quan thuận chiều giữa vốn xã hội và sự phát triển kinh tế. Tức là một quốc gia, một thành phố có vốn xã hội mạnh, cũng sẽ có sự phát triển kinh tế cao và bền vững. Tại sao? Bởi vì, vốn xã hội sẽ giúp giải quyết được những bài toán mang tính tập thể. Chẳng hạn, trong thời gian của dịch bệnh Covid-19 này, nhiều bài toán mang tính tập thể như tiêu thụ nông sản hay cung cấp khẩu trang, nước rửa tay sẽ được giải quyết dễ dàng, hiệu quả hơn nếu mọi người cùng chung tay góp sức.
Vốn xã hội mạnh cũng sẽ giúp giảm thiểu các chi phí giao dịch khi mọi người đều tin rằng, tất cả đều hành xử đúng chuẩn mực, đúng quy định nên sẽ không phải mất nhiều thời gian, tiền bạc cho việc thẩm tra xem đối tác, người dân hay doanh nghiệp có làm đúng trách nhiệm hay tuân thủ luật lệ hay không…Vốn xã hội mạnh cũng sẽ giúp cho xã hội đoàn kết, hạn chế được sự chia rẽ và do đó, sẽ dễ hồi phục hơn sau những cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn như, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đang gây ra cho xã hội.
Thiết nghĩ, chính quyền TPHCM nên nhanh chóng quan tâm xây dựng loại vốn này, bởi nó sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của thành phố trong ngắn hạn cũng như dài hạn.